Số ca liên cầu lợn tăng vọt, TP Huế đưa ra khuyến cáo quan trọng

Số ca liên cầu lợn tăng vọt, TP Huế đưa ra khuyến cáo quan trọng
3 giờ trướcBài gốc
Theo thống kê của Sở Y tế TP Huế, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn TP Huế đã ghi nhận 31 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn (Streptococcus suis) ở người, trong đó một trường hợp tử vong vào ngày 2-7 vừa qua.
Lực lượng y tế tiến hành phun khử khuẩn bằng Cloramin B 25% tại nhà các bệnh nhân mắc liên cầu lợn và các hộ xung quanh.
Số ca mắc liên cầu lợn tăng bất thường
Điều đáng lo ngại là chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy hai tuần (từ cuối tháng 6 đến nay), TP Huế đã ghi nhận tới 25 ca bệnh, tăng gấp 4,2 lần so với tổng số ca mắc của 5 tháng trước đó cộng lại. Tất cả ca bệnh đều nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh nhân tử vong là ông BVC (50 tuổi, trú tại phường Thuận Hóa). Ông được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trưa 2-7 trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nghiêm trọng và tử vong sau đó. Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân C dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis.
Theo điều tra dịch tễ ban đầu, gia đình bệnh nhân C và các hộ dân xung quanh không nuôi lợn. Trong vòng hai tuần qua, khu vực này cũng không ghi nhận trường hợp lợn mắc bệnh. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện chưa có bất kỳ biểu hiện liên quan nào đến bệnh.
Tại Trạm Y tế phường Dương nỗ, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Vũ, Trưởng Trạm, cho biết ngày 6-7, đơn vị nhận được thông tin về 2 ca bệnh tại địa phương và đã lập tức tiến hành xác minh dịch tễ.
Bệnh nhân thứ nhất là bà PTH (60 tuổi), làm nghề buôn bán, nhập viện ngày 29-6 trong tình trạng đau đầu, nôn nhiều. Bà H không nuôi lợn, không ăn thịt lợn chưa nấu chín và khu vực xung quanh không có hộ chăn nuôi.
Bệnh nhân thứ hai là chị ĐTTL (36 tuổi), nhập viện cùng ngày với bà H trong tình trạng sốt cao, nhức đầu, nôn mửa. Chị L không nuôi lợn nhưng sống cùng người nhà làm nghề bán thịt lợn tại chợ Nam Phổ và chị có phụ giúp sơ chế. Hiện người nhà chị L vẫn khỏe mạnh.
Trạm Y tế phường Dương Nỗ đã tiến hành phun khử khuẩn bằng Cloramin B 25% tại nhà các bệnh nhân nêu trên cũng như các hộ dân sống xung quanh. Đồng thời tuyên truyền đến người dân về dấu hiệu bệnh và biện pháp phòng ngừa, theo dõi sức khỏe. Những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân cũng đang được giám sát sức khỏe hằng ngày.
Tăng cường phối hợp, giám sát chặt chẽ
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đến sáng 8-7 nơi đây đang điều trị cho 14 bệnh nhân mắc liên cầu lợn trú tại các địa phương thuộc địa bàn TP Huế. Trong đó, 13 trường hợp đang tiếp tục điều trị, riêng một bệnh nhân nam điều trị tại khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, tiên lượng xấu.
Theo ThS-BS chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn. Trong đó, không ít ca diễn tiến nặng với các biểu hiện như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí suy đa cơ quan.
"Ngay khi tiếp nhận bệnh chúng tôi đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện để huy động các chuyên khoa liên quan như hồi sức tích cực, truyền nhiễm, thần kinh cùng phối hợp điều trị sớm, đúng phác đồ. Cùng với đó là theo dõi sát các biến chứng thần kinh và nhiễm trùng huyết, điều trị hồi sức tích cực khi cần thiết", bà Hương thông tin.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Huế cũng cho biết, ngay từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, tăng cường giám sát dịch bệnh dưới nhiều hình thức tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ; lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán xác định; sẵn sàng các phương án thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và cơ quan thú y để giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên động vật có nguy cơ lây sang người, đặc biệt là bệnh liên cầu lợn, nhằm chia sẻ thông tin và xử lý triệt để các ổ dịch.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan, Sở Y tế TP Huế đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng cho người dân như tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng và thịt lợn chưa được nấu chín kỹ; không giết mổ, buôn bán hay tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc, giết mổ lợn; rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chế biến thực phẩm; chỉ mua bán, sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y.
Sở Y tế đặc biệt lưu ý, khi người dân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis gây nên. Bệnh có thể lây sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Chính vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.
Hiện chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Người mắc bệnh có các đặc điểm lâm sàng: Bệnh cảnh viêm màng não như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa như sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.
Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê, thậm chí tử vong.
NGUYỄN DO
Nguồn PLO : https://plo.vn/so-ca-lien-cau-lon-tang-vot-tp-hue-dua-ra-khuyen-cao-quan-trong-post859194.html