Trong vòng 10 ngày qua, nhiều quầy bán thịt lợn ở chợ Bến Ngự đóng sạp. Ảnh: S.THÙY
Nhiều hàng ăn “hạn chế” món thịt lợn
Theo ghi nhận của phóng viên trong sáng 17.7, nhiều quầy bán thịt lợn tại chợ Bến Ngự (phường Thuận Hóa, thành phố Huế) đóng sạp. Một số quầy còn mở thì lượng thịt bày bán không nhiều và trong tình trạng ế ẩm, rất ít khách hỏi mua.
Chia sẻ với chúng tôi, một tiểu thương (xin giấu tên) than thở: khoảng gần 10 ngày trở lại đây, lượng khách mua thịt giảm nhiều. Dù thịt ở quầy tôi nhập rõ nguồn gốc, có kiểm định nhưng vẫn ế ẩm.
“Với nguồn gốc đảm bảo nên tôi còn cung cấp cho các nhà hàng hoặc quán ăn. Còn lượng bán lẻ tại chợ đã giảm phải 80% rồi”- chị tiểu thương thông tin.
Những ngày qua, nhiều quầy ẩm thực trên địa bàn thành phố Huế cũng thay đổi món từ các món ăn có thịt lợn sang thịt bò, gà, vịt. Một số quán bún giò heo đã tạm thời đổi biển thành quán bún bò, quán bún vịt…
Nhiều người đi chợ chọn mua thịt bò, cá, gà... Ảnh: S.THÙY
Chị Thanh Loan, chủ một cơ sở kinh doanh ẩm thực tại phường Vỹ Dạ, cho biết: những ngày này, buổi sáng thì quán của tôi bán bún bò, nước hầm cũng chỉ dùng xương bò; buổi trưa bán cơm văn phòng cũng ưu tiên các loại cá, gà, vịt… Nếu có khách muốn ăn thịt sườn heo (lợn) và đặt trước thì chúng tôi mới chế biến riêng.
Tương tự, quầy bánh mì và xôi của chị Thúy chỉ bán buổi sáng nhưng cũng đã chủ động ngừng món thịt lợn nướng và chuyển sang thịt gà nướng (phần ức gà) để phục vụ nhu cầu của khách.
Khuyến cáo người dân “ăn chín uống sôi”
Về vấn đề số ca mắc liên cầu lợn tăng đột biến từ tháng 6 đến nay cũng đã được đại biểu HĐND chất vấn ngành y tế tại kỳ họp HĐND thành phố Huế lần thứ 10 diễn ra sáng 17.7.
Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phát hiện 38 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Một trường hợp tử vong do đến cơ sở y tế muộn, khi đó bệnh nhân đã có biểu hiện suy đa phủ tạng nên hồi sức rất khó; một trường hợp mắc liên cầu lợn nhưng tử vong do một bệnh cảnh khác.
Các tiểu thương cho biết, sức bán lẻ thịt lợn tại chợ sụt giảm rất lớn nên không dám nhập nhiều. Ảnh: S.THÙY
Trước tình hình bệnh liên cầu lợn gia tăng, UBND thành phố Huế đã có công văn chỉ đạo về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn.
Sở Y tế cũng đã triển khai các biện pháp để kiểm soát bệnh liên cầu lợn, trọng tâm là tăng cường công tác giám sát bằng nhiều hình thức như giám sát tại cơ sở y tế, giám sát tại cộng đồng, giám sát dựa vào sự kiện… để phát hiện sớm ca nghi nhiễm liên cầu lợn.
Tổ chức lớp tập huấn cho lực lượng y tế cơ sở về kiểm soát và điều trị bệnh liên cầu lợn, cập nhật kiến thức chuyên môn để khoanh vùng và xử lý ca bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng...
Điều tra dịch tễ, xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định ngay khi phát hiện ca bệnh. Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực xung qua nhà ca bệnh, đặc biệt là khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết mổ, buôn bán lợn… Tiến hành phun định kỳ dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế cho biết đàn lợn trên địa bàn vẫn an toàn, bà con yên tâm ăn thịt lợn khi đã có kiểm dịch của thú y và phải đảm bảo vệ sinh khi chế biến. Ảnh: S.THÙY
Đẩy mạnh truyền thông qua các kênh thông tin đại chứng để nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân, đường lây truyền, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh liên cầu lợn.
Khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng lợn hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn chết bất thường; sử dụng thịt lợn rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay kỹ bằng xà phòng khi chế biến thực phẩm; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời…
“Bà con yên tâm ăn thịt lợn”
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Huế thông tin: Mặc dù các địa bàn lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị đã xảy ra dịch bệnh trên lợn đang diễn biến phức tạp nhưng tại Huế vẫn đang kiểm soát tốt.
Dù có ghi nhận một số ổ dịch tả lợn Châu phi, dịch tai xanh nhỏ lẻ, nhưng đều được phát hiện kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế không để lây lan. Liên quan đến bệnh liên cầu lợn ở người gần đây, ngành thú y đã nhanh chóng vào cuộc điều tra dịch tễ. Kết quả lấy mẫu tại khu vực sinh sống của các bệnh nhân không phát hiện lợn mang mầm bệnh.
“Hiện tại đàn lợn nuôi trên địa bàn vẫn an toàn, qua kiểm tra và theo vết, lấy mẫu thì không có bệnh. Bà con yên tâm ăn thịt lợn, đương nhiên chúng ta phải “ăn chín uống sôi” và đảm bảo an toàn vệ sinh khi chế biến”- ông Nguyễn Đình Đức nói.
SƠN THÙY