Trong 2 ngày qua (từ 30-31.10), hàng trăm người dân ở các xã Thịnh Lộc, Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mang theo các dụng cụ, đổ xô tới khu vực dọc bờ biển xã Thịnh Lộc và thị trấn Lộc Hà để bắt các loại sò, bị sóng đánh tấp vào bờ.
Ghi nhận của phóng viên vào ngày 31.10, dọc trên bờ biển kéo dài nhiều cây số từ thị trấn Lộc Hà đến xã Thịnh Lộc, hàng trăm người dân người cầm rổ, người cầm xô chậu, bao tải…hối hả nhặt, kéo các loại sò lông, sò huyết, sò bung, vẹm (sò mai), do sóng đánh trôi dạt vào bờ.
Sò biển bị sóng đánh dạt trôi vào bờ biển xã Thịnh Lộc
Ông Nguyễn Văn Hải (56 tuổi, trú tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) cho biết, theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, cứ sau một đợt ảnh hưởng của cơn bão, thì sẽ có các loại sò biển bị sóng đánh dạt trôi vào bờ. Và lần này cũng thế, sau bão số 6, nhiều người dân đã đi dọc bãi biển và phát hiện ra một lượng lớn các loại sò bị sóng đánh trôi dạt vào bờ.
“Thấy có nhiều sò, mọi người thông báo cho nhau để về nhà mang dụng cụ ra bờ biển để nhặt về ăn, nếu được nhiều thì mang ra chợ bán. Sau hơn 3 giờ đồng hồ, gia đình nhặt được trên 120kg sò các loại. Gia đình sẽ để lại một ít để ăn, số còn lại sẽ đem đi bán”, ông Hải vui vẻ cho biết.
Những người dân nơi đây cho biết, trong 2 ngày qua, họ đã bắt được hàng chục tấn sò các loại. Trong đó, người bắt được nhiều thì bán cho thương lái ngay tại bờ biển hoặc đưa về bán ở chợ, nhà hàng hải sản. Người dân bắt được ít thì đưa về nhà sử dụng hoặc làm quà tặng người thân...
Người dân đổ xô đi nhặt "lộc trời"
Các loại sò được bán với giá khác nhau, nhưng giao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Việc bắt được “lộc" sò biển sau những mưa bão vừa qua đã giúp người dân có thu nhập đáng kể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thịnh Lộc cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6, trong 2 ngày nay có một lượng lớn sò huyết, sò lông, sò bung, vẹm (sò mai) bắt đầu bị sóng đánh dạt vào khu vực bờ biển địa bàn xã này và thị trấn Lộc Hà.
Các loài sò có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon
“Đây không phải là hiện tượng lạ, lần đầu tiên xảy ra, mà cứ sau mỗi mùa bão, biển động, triều cường mạnh làm nhiều loại sò, ốc bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển của địa phương. Vào những dịp này, người dân lại tranh thủ đi nhặt sò về vừa để ăn hoặc là bán mang lại nguồn thu nhập đáng kể nên người dân rất vui, phấn khởi”, ông Phong cho biết thêm.
Xuân Sinh