Tại Hội nghị gặp mặt báo chí, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện một số nút giao đèn đỏ dài tới 120 giây nhưng đèn xanh lại ngắn. Việc pha đèn dài hay ngắn tại các nút giao đều liên quan đến kỹ thuật và lưu lượng phương tiện tại khu vực đó. Nói cách khác, chu kỳ đèn phụ thuộc vào việc cân đối lưu lượng theo các hướng và được tính toán cụ thể.
Lực lượng chức năng bảo trì hệ thống biển báo giao thông.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, bất kỳ nút đèn nào cũng chỉ đáp ứng được trong một lưu lượng nhất định, nếu xảy ra quá tải phương tiện thì nút đèn cũng mất tác dụng. Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều nút giao thông tại Hà Nội có lưu lượng xe vượt rất nhiều so với khả năng đáp ứng, đặc biệt trong khung giờ cao điểm.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, khi có thông tin về đèn tín hiệu gặp vấn đề, Sở GTVT ngay lập tức cho sửa chữa.
Quanh công tác này, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại hiện nay tại một số điểm giao thông vạch kẻ đường bị mờ. Cụ thể, Nghị định 168/2024 có hiệu lực với mức phạt cao, dư luận lo ngại vạch kẻ đường bị mờ cũng là một trong những nguyên nhân khiến người tham gia giao thông vô tình rơi vào cảnh vi phạm.
Về phản ánh nhiều khu vực vạch kẻ đường bị mờ, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng có nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, lưu lượng phương tiện quá lớn, vệt bánh xe, khói bui,... Về vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị các đơn vị môi trường phối hợp, tăng cường rửa đường, cùng với đó chỉ đạo cán bộ duy tu để nắm bắt và tu sửa các vạch kẻ đường bị mờ, nhất là từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực.
Đinh Luyện