Dịch vụ công trực tuyến nói chung, định danh điện tử nói riêng không chỉ mang lại sự tiện lợi cho người dân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, mà còn hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn một bộ phận người dân bày tỏ lo ngại và chưa mặn mà trong việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống này. Nguyên nhân đến từ tâm lý ngại thay đổi, chưa quen với công nghệ; phần khác là do thiếu thông tin; lựa chọn cách làm truyền thống vì cảm thấy "an toàn" hoặc đơn giản là "quen rồi".
Mặc dù số hóa dịch vụ công đem lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và nâng cao tính minh bạch, song thực tế cho thấy vẫn còn một số người dân tích cực tiếp cận và sử dụng. Ảnh: HUỲNH THƠ
Lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân
Anh Lê Mạnh Hùng (35 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ: “Tôi có nghe nói VNeID tích hợp nhiều loại giấy tờ như căn cước, bảo hiểm, tài khoản ngân hàng… Thành thật mà nói, tôi vẫn còn băn khoăn. Thời buổi công nghệ, nhiều vụ rò rỉ dữ liệu khiến tôi lo lắng, sợ thông tin cá nhân bị khai thác sai mục đích”.
Theo anh Hùng, dù được tuyên truyền khá nhiều nhưng anh vẫn chưa cảm thấy thực sự yên tâm để cung cấp toàn bộ dữ liệu của mình trên một nền tảng trực tuyến.
“Tôi hiểu đây là ứng dụng của Bộ Công an, chắc chắn có sự kiểm soát, nhưng tâm lý chung là vẫn sợ” – anh Hùng chia sẻ.
Trên thực tế, nỗi lo về quyền riêng tư, an toàn thông tin cá nhân đang là một trong những rào cản lớn khiến một bộ phận người dân chưa chủ động đăng ký và sử dụng định danh điện tử.
Chị Trần Thị Bích Ngọc (44 tuổi, công nhân tại TP Thủ Đức) chia sẻ, dù đã nhiều lần nghe tuyên truyền về VneID, dịch vụ công trực tuyến, chị vẫn chưa đăng ký vì cho rằng thủ tục rườm rà, khó thực hiện.
“Tôi đi làm cả ngày, không có thời gian. Nghe nói phải đăng nhập web hoặc tải ứng dụng, tạo tài khoản, chụp giấy tờ, rồi chờ xác thực, thấy rối quá. Mình không quen điện thoại thông minh, sợ làm sai lại mất công làm lại” – chị Ngọc nói
Người dân sẽ gặp khó khăn khi không có VNeID
Một lãnh đạo công an phường tại TP.HCM cho biết, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công an đã triển khai nền tảng định danh điện tử VNeID – đây là cổng giao dịch duy nhất do Bộ Công an phát hành, phục vụ cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính điện tử cũng như kết nối với các dịch vụ công trực tuyến.
Ứng dụng VNeID không chỉ hỗ trợ công dân trong việc khai báo tạm trú, đăng ký thường trú, tạm vắng, thông báo lưu trú ngay tại nhà mà còn tích hợp đầy đủ các loại giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng... giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho người dân.
Trong thời gian tới, VNeID sẽ kết nối dữ liệu gốc do Bộ Công an quản lý với dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành khác như: bảo hiểm, ngân hàng, khám chữa bệnh, hàng không, thuế, giáo dục... và đồng bộ liên thông trên phạm vi toàn quốc. Khi đó, việc không đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử đồng nghĩa với việc công dân sẽ không thể thực hiện được các thủ tục hành chính, dịch vụ công một cách đầy đủ. Nói cách khác, nếu không có VNeID, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia các giao dịch trong đời sống hàng ngày.
Vì vậy, người dân cần chủ động đăng ký, kích hoạt và sử dụng định danh điện tử, không chỉ để thuận tiện trong giao dịch mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân trong quá trình hội nhập số. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người trong việc đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại trong quá trình nộp hồ sơ và nhận kết quả, dịch vụ này còn góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu từ một bộ phận cán bộ công quyền.
Đồng thời, dịch vụ công trực tuyến cũng nâng cao tính công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính, thúc đẩy trách nhiệm, trình độ chuyên môn và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đáng chú ý, thay vì phải thanh toán trực tiếp như trước, người dân hiện có thể thực hiện các giao dịch thanh toán lệ phí, phí giải quyết thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí mà còn đảm bảo tính an toàn, minh bạch trong quá trình giao dịch, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội.
THẢO HIỀN - HUỲNH THƠ