Từ năm 2023, Thành phố đã triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch theo chỉ đạo của Tổ công tác Chính phủ và Bộ Tư pháp. Công tác này được tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2024. Ngoài ra, để thúc nhiệm vụ này, Thành phố đã ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua cao điểm "Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch" trên địa bàn Thành phố.
Qua thống kê sơ bộ, toàn Thành phố có hơn 8,1 triệu việc hộ tịch cần số hóa. Sở Tư pháp và các quận, huyện, thị xã đã số hóa, cập nhật vào phần mềm hộ tịch 158 của Bộ Tư pháp hơn 7,239 triệu việc hộ tịch, tất cả các trang sổ hộ tịch đã được scan (quét thành file PDF) lưu trữ vĩnh viễn.
Ngoài số hóa dữ liệu hộ tịch, Hà Nội cũng triển khai 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí" theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngày 24/8/2024, hệ thống dịch vụ công TP Hà Nội đã kết nối chính thức với hệ thống dịch vụ công liên thông 2 thủ tục hành chính "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí". Công dân đã có thể nộp hồ sơ và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công liên thông.
Sau 2 tháng triển khai thực hiện, hiện hệ thống đã hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính liên thông của người dân. Đến tháng 10/2024, đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với 134.784 trường hợp; thực hiện liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai tang phí đối với trên 1.000 trường hợp.
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất trên phần mềm đăng ký hộ tịch; hướng dẫn kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính nêu trên.
Số hóa dữ liệu không chỉ thuận tiện trong quản lý mà còn đem lại những lợi ích mang tính an ninh an toàn.
Việc số hóa dữ liệu không chỉ thuận tiện trong quản lý mà nó còn đem lại những lợi ích mang tính an ninh an toàn. Trong đó, phải kể đến việc triển khai thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư trên địa bàn Thành phố.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành kế hoạch triển khai thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư trên địa bàn. Điều này góp phần đặc biệt quan trọng trong dẫn dắt, tạo nguồn hứng khởi cho các địa phương khác triển khai ứng dụng này nói riêng và Đề án 06 của Chính phủ nói chung. Qua đó, thúc đẩy xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân.
Tính đến ngày 18/11/2024, Công an cấp huyện, UBND cấp xã đã thực hiện cập nhật dữ liệu đối với 132.432/135.611 cơ sở đạt tỷ lệ 97,65%, trong đó: 37.284 cơ sở nhà trọ; 413 cơ sở nhà ở nhiều căn hộ; 24.932 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; 69.803 cơ sở các loại hình khác.
Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, toàn bộ công tác quản lý, thống kê, báo cáo về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thành phố dữ liệu sẽ được khai thác trên phần mềm. Công an Thành phố cũng phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố tiếp tục triển khai theo Kế hoạch về việc ứng dụng xây dựng phương án PCCC và thoát nạn đối với loại hình nhà ở riêng lẻ cho người dân, với mục tiêu 100% các hộ gia đình đều được xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn phù hợp, đảm bảo khi có cháy, nổ sự cố xảy ra lực lượng tại chỗ có thể xử lý được ngay từ ban đầu.
Quỳnh Anh