Số hóa quy trình hoàn thuế TNCN: Cú hích cải cách ngành Thuế

Số hóa quy trình hoàn thuế TNCN: Cú hích cải cách ngành Thuế
7 giờ trướcBài gốc
Với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính
Ứng dụng công nghệ vào hoàn thuế
Theo báo cáo của Ban Nghiệp vụ thuế - Cục Thuế (Bộ Tài chính), với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Đặc biệt, kể từ tháng 4/2025, quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tự động được chính thức triển khai trên toàn quốc, phù hợp với định hướng phát triển Chính phủ điện tử.
Quy trình mới này giúp tăng cường sử dụng thông tin có sẵn của người nộp thuế (NNT), đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, giảm thiểu thời gian và công sức thực hiện nghĩa vụ thuế. Người dân không cần nộp hồ sơ giấy, có thể theo dõi tiến độ xử lý qua Cổng thuế điện tử hoặc ứng dụng Etax mobile.
Quy chính mới mang lại lợi ích cụ thể với cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Thứ nhất, đối với người nộp thuế, tiết kiệm thời gian, công sức (hồ sơ được xử lý tự động trong vòng 3 ngày làm việc); Nhanh chóng, minh bạch (khoản hoàn chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng); tránh thất lạc hồ sơ; Thúc đẩy tuân thủ tự nguyện (người dân sẵn sàng khai đúng, nộp đủ nhờ cam kết hoàn thuế minh bạch).
Thứ hai, đối với cơ quan thuế, giảm tải công việc thủ công, hồ sơ được hệ thống xác minh, xử lý và ban hành lệnh hoàn hoàn toàn tự động. Quy trình kiểm soát logic tự động bảo đảm đúng quy định, hạn chế sai sót nghiệp vụ. Bên cạnh đó, quy trình cải thiện sự chuyên nghiệp, hiện đại trong mắt người dân và doanh nghiệp, nâng cao hình ảnh ngành Thuế. Đặc biệt, vì hệ thống có thể phát hiện nhanh các bất thường trong hồ sơ, tăng khả năng kiểm soát rủi ro.
Kết quả khả quan sau hơn 2 tháng triển khai trên toàn quốc
Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, tính đến ngày 10/6/2025, đã có 780.421 người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế TNCN, tương đương 960.918 tờ khai điện tử được hệ thống ngành Thuế tiếp nhận và xử lý.
Trong đó, có tới 817.160 tờ khai phát sinh đề nghị hoàn thuế, bao gồm: 610.750 tờ khai hoàn từ hệ thống gợi ý (chiếm 75%); 206.410 tờ khai không phát sinh từ hệ thống gợi ý (chiếm 25%).
Đáng chú ý, hệ thống đã tự động tạo hồ sơ hoàn cho 811.952 trường hợp (chiếm 99,33%), trong đó: 355.357 hồ sơ được hoàn tự động, tương ứng 1.644 tỷ đồng; đã ký và gửi 17.601 lệnh hoàn, tương ứng 1.277 tỷ đồng.
Một số địa phương có số lượng hồ sơ hoàn tự động cao gồm: TPHCM là 96.128 hồ sơ, tương ứng 437,7 tỷ đồng; Hà Nội là 78.974 hồ sơ, tương ứng 360,5 tỷ đồng; Bình Dương là 15.711 hồ sơ, tương ứng 52,6 tỷ đồng; Đà Nẵng là 7.292 hồ sơ, tương ứng 30,9 tỷ đồng.
Đến thời điểm trên, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã xử lý chi trả cho 223.364 lệnh hoàn (tương đương 1.009,9 tỷ đồng). Trong đó, mức dưới 5 triệu đồng là 158.650 hồ sơ với số tiền hoàn 298,8 tỷ đồng. Tương tự lần lượt các mức 5 - 10 triệu đồng: 36.424 hồ sơ, 257 tỷ đồng; từ 10 - 50 triệu đồng: 27.890 hồ sơ, 423,9 tỷ đồng; trên 50 triệu đồng: 400 hồ sơ, 30,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn 4.851 lệnh bị từ chối, tương ứng 27,6 tỷ đồng. Ngành Thuế đã rà soát và xử lý bổ sung 1.102 hồ sơ với 4,9 tỷ đồng được tiếp tục hoàn trả.
Ngoài ra, còn khoảng 456.595 hồ sơ phải xử lý thủ công, với tổng số tiền hoàn là 3.227 tỷ đồng. Đã có 185.264 lệnh hoàn được ban hành, tương ứng 1.311 tỷ đồng.
Hệ thống cũng đang tiếp tục xử lý 5.208 hồ sơ còn lại (chiếm 0,67%) để đảm bảo hoàn tất quá trình.
Khắc phục vướng mắc, hoàn thiện quy trình
Mặc dù đạt kết quả tích cực, lãnh đạo Ban Nghiệp vụ thuế - Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc triển khai vẫn gặp một số trở ngại tại 3 nhóm chủ thể chính: Cơ quan thuế, kho bạc và người nộp thuế.
Tại cơ quan thuế vẫn còn một số lỗi kỹ thuật gây trả lệnh: Chưa đăng ký mẫu dấu, sai năm NSNN, trùng người lập và người ký; hệ thống phát sinh lỗi khi nhập dữ liệu có ký tự đặc biệt, lỗi trạng thái chữ ký điện tử; một số Cục Thuế chậm thiết lập cấu hình, hoặc còn e ngại khi ký quyết định hoàn tự động; thiếu sự phân công cụ thể để cập nhật, kiểm soát quy trình; chưa đồng bộ phổ biến quy trình tới toàn bộ cán bộ.
Tại Kho bạc Nhà nước, việc rà soát và xử lý lệnh hoàn còn phụ thuộc nhiều vào thao tác thủ công, dẫn đến chậm trễ; nhầm lẫn khi hạch toán thông tin, sai mã địa bàn, sai chương hoặc năm ngân sách.
Về phía người nộp thuế, vướng mắc do một số trường hợp khai sai thông tin, thiếu chứng từ khấu trừ, nhập nhầm số người phụ thuộc, tài khoản không đúng... Cá biệt có trường hợp lợi dụng quy trình tự động để kê khai không trung thực.
Giải pháp thúc đẩy hoàn thiện quy trình trong thời gian tới
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, ngành Thuế và các bên liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, đối với người nộp thuế, cần cài đặt ứng dụng eTax Mobile để cập nhật thông tin nghĩa vụ thuế. Cần kiểm tra, cập nhật chính xác thông tin định danh, số tài khoản ngân hàng, và chuẩn bị đầy đủ chứng từ trước khi gửi hồ sơ hoàn. Cần nộp đầy đủ số thuế đã bị khấu trừ vào ngân sách để đủ điều kiện hoàn tự động.
Thứ hai, đối với đơn vị chi trả thu nhập, cần lập bảng kê chi tiết thuế đã khấu trừ hàng tháng, quý. Cần cấp chứng từ khấu trừ điện tử theo quy định mới tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Thông tư 32/2025/TT-BTC.
Thứ ba, đối với cơ quan thuế cần tiếp tục triển khai nghiêm túc các công văn chỉ đạo, ví dụ: Công văn 973/CT-NVT, 975/CT-NVT, 1557/CT-NVT. Cần nâng cấp ứng dụng tiếp nhận và xử lý chứng từ điện tử; hoàn thiện điều kiện kiểm tra trong hệ thống, cảnh báo lỗi sớm, tích hợp với Ngân hàng và Kho bạc để liên thông dữ liệu. Cần tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu cho cán bộ thuế, có video hướng dẫn, mô hình thực tế; đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội để người dân hiểu rõ quy trình, chủ động khai nộp đúng.
Ngành Thuế đặt mục tiêu cao cho giai đoạn tiếp theo đạt tỷ lệ hồ sơ hoàn tự động thành công: đạt trên 90%; Thời gian xử lý nhiều nhất là 3 ngày làm việc; hồ sơ lỗi hệ thống ít hơn 2%...
Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, về tổng thể, chính sách hoàn thuế hiện nay đã có cơ chế linh hoạt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp tuân thủ tốt chính sách sẽ được ưu tiên hoàn thuế. Theo quy định, sau 5 ngày, cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thuế, gần 80% hồ sơ hoàn thuế được xử lý theo cơ chế hoàn trước, kiểm tra sau; chỉ một số ít doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (chủ yếu là các doanh nghiệp hoàn thuế lần đầu hoặc có yếu tố rủi ro). Những vướng mắc về chính sách hoặc các trường hợp có rủi ro cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số hồ sơ hoàn thuế hàng năm.
Ông Mai Sơn cho biết, nhìn chung, nỗ lực của cơ quan thuế cùng sự phối hợp từ các doanh nghiệp và các bên liên quan đã giúp quá trình hoàn thuế diễn ra hiệu quả.
"Trong tương lai, khi sửa đổi Luật Quản lý thuế, Cục Thuế dự kiến tái thiết quy trình nghiệp vụ nhằm tạo cơ sở hỗ trợ ưu tiên cho việc hoàn thuế nhanh chóng và tự động hóa các thủ tục. Bộ Tài chính cũng như Cục Thuế sẽ tiếp tục lắng nghe, đánh giá các ý kiến đóng góp để cải thiện chính sách và quy trình, đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp", lãnh đạo Cục Thuế cho hay.
Anh Minh
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/so-hoa-quy-trinh-hoan-thue-tncn-cu-hich-cai-cach-nganh-thue-102250714230146539.htm