Số hóa trong y tế, tạo thuận lợi cho người dân

Số hóa trong y tế, tạo thuận lợi cho người dân
18 giờ trướcBài gốc
Số hóa y tế, người dân sẽ được tạo lập sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Trong ảnh: Hoạt động khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An
Triển khai còn chậm
Nhằm liên thông, khai thác, sử dụng dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến giữa Bộ Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy và UBND tỉnh Bình Dương, đến nay tỷ lệ đạt rất thấp. Tích lũy từ khi triển khai đến nay, hệ thống chỉ ghi nhận hơn 900 hồ sơ.
Theo các đơn vị, nguyên nhân chủ yếu do đơn vị cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) hiện chưa được chỉnh sửa để gửi dữ liệu lên hệ thống điều phối dữ liệu của C06 (Bộ Công an) theo phương thức gửi qua API do vướng vấn đề kinh phí. Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết tham gia hệ thống điều phối dữ liệu liên tuyến C06, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gửi dữ liệu test thành công lên hệ thống này theo hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, bệnh viện đã sẵn sàng phương án sử dụng giấy chuyển tuyến điện tử trên ứng dụng VNeID để khám chữa bệnh. Đơn vị cũng khuyến nghị các cơ sở y tế tuyến dưới triển khai giấy chuyển tuyến điện tử khi chuyển người bệnh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhằm giảm hồ sơ giấy tờ và thời gian của bệnh nhân.
Một số lãnh đạo của các Trung tâm Y tế thành phố cho biết, theo Quyết định 3176/QĐ- BYT ngày 29-10-2024 của Bộ Y tế, thì thông tin hành chính của bệnh nhân chỉ ghi nhận địa chỉ theo nơi cư trú. Tuy nhiên, khi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, thì phải ghi nhận thông tin địa chỉ thường trú, từ đó công dân có địa chỉ thường trú ngoài tỉnh thì không được ghi nhận, thống kê trên sổ sức khỏe điện tử là dữ liệu của Bình Dương. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử trên VNeID nếu nhập địa chỉ theo nơi tạm trú thì sai thông tin so với cơ sở dữ liệu của ngành BHXH, ngành BHXH từ chối thanh toán. Cần thống nhất, điều chỉnh trong cách ghi địa chỉ thường trú, tạm trú để công tác khám chữa bệnh và trích chuyển dữ liệu lên VNeID được thuận lợi.
Đại diện Bệnh viện Quốc tế Becamex cho biết theo chỉ đạo và hướng dẫn của Sở Y tế, bệnh viện đã chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, phần mềm để tham gia thí điểm vào hệ thống liên tuyến phục vụ khám chữa bệnh của C06. Hiện bệnh viện đã gửi thành công dữ liệu kiểm thử lên hệ thống điều phối dữ liệu của C06 và đang chờ các hướng dẫn tiếp theo từ đơn vị chủ trì xây dựng hệ thống. Trong giai đoạn thí điểm hiện nay, theo các tài liệu kỹ thuật hưỡng dẫn, có hai phương án liên thông dữ liệu lên hệ thống là sử dụng API (kết nối tự động với phần mềm HIS của bệnh viện) và Tool (công cụ) do C06 cung cấp để gửi dữ liệu. Triển khai phần mềm HIS, đơn vị đang gấp rút hoàn thiện để bảo đảm tiến độ.
Khơi thông điểm nghẽn
PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, cho biết hiện 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với bảo hiểm xã hội thực hiện giám định. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở các bệnh viện chưa đạt được yêu cầu theo lộ trình thực hiện.
Theo PGS.TS Trần Quý Tường, 3 điểm nghẽn chính dẫn đến hồ sơ bệnh án điện tử còn chậm trễ là: Nhiều giám đốc và lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh đối với các bệnh viện chậm trễ; cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có mục chi cho công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong tính giá thành dịch vụ y tế, chưa có chi phí công nghệ thông tin. Hiện các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, nên phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện.
Tại cuộc họp giao ban Đề án 06, đại diện Công an tỉnh cho biết đang tích cực phối hợp với các ngành, địa phương cập nhật căn cước công dân, xác thực định danh điện tử và đối soát dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, trong đó có dữ liệu sổ sức khỏe điện tử của ngành y tế. Công an tỉnh đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ các quy định chuyên môn, rà soát, tiến tới thực hiện bỏ sổ khám bệnh giấy, triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNelD để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Ngành thống nhất đề xuất của Sở Y tế, trong thời gian tới sẽ lập đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát thực tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn về sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Ông Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết sổ sức khỏe điện tử trên VNeID và triển khai tạo lập, liên thông, khai thác, sử dụng dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến trên VNeID phục vụ khám chữa bệnh giữa Bộ Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy, UBND tỉnh Bình Dương là nhiệm vụ trọng tâm, khẩn trương và cần thiết. Các ngành, các đơn vị, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chủ động triển khai theo các hướng dẫn của bộ, ngành; khẩn trương rà soát, thường xuyên báo cáo tiến độ, khó khăn, vướng mắc về Văn phòng Sở Y tế để tổng hợp, kịp thời báo cáo Tổ công tác Đề án 06 tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết.
KIM HÀ - THANH TUYỀN
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/so-hoa-trong-y-te-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-a344688.html