Thu hút tối đa nguồn lực cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Tại Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, điểm mới của Luật là mở rộng các quy định liên quan đến phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác và sử dụng di sản, thúc đẩy hợp tác công tư và thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Điều này tạo cơ chế thu hút tối đa các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương
Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ (bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; thực hiện các công trình, hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...).
Luật cũng đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, cho phép triển khai các dự án đầu tư và công trình kinh tế - xã hội tại khu vực di sản. Quy định này đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định di sản trở thành tài sản, tài nguyên đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch bền vững và phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương. Đồng thời, Luật góp phần định vị thương hiệu địa phương, quốc gia và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của di sản văn hóa Việt nam trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.
Luật đã làm rõ các hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng) và việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình; rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các đối tượng (chủ sở hữu, được giao quản lý trực tiếp, cộng đồng và xã hội); nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc. Ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận; bảo vệ và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo...
Luật cho phép lập hồ sơ ghi danh di sản phân bố từ 2 địa phương trở lên, hồ sơ đa quốc gia. Quy định rõ việc duy trì thực hành, truyền dạy, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa.
Không kinh doanh, xuất khẩu di vật, cổ vật
Luật cũng quy định các nội dung liên quan đến các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo từng lĩnh vực, loại hình di sản văn hóa, như: Quy định rõ việc bảo vệ đối với khu vực bảo vệ của di tích; nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích; khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II. Quy định rõ thẩm quyền chấp thuận ranh giới khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích, khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II.
Đáng lưu ý, Luật quy định rõ việc thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng. Quy định sửa đổi Luật Xây dựng về công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là công trình có tính chất chuyên ngành, theo đó, quy trình thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được rút gọn quy trình thẩm định từ 2 cơ quan (xây dựng và văn hóa) còn 1 cơ quan thẩm định (văn hóa).
Luật khẳng định di tích phải có tổ chức quản lý, người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý di tích đối với di tích thuộc sở hữu toàn dân.
Luật xác định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân không được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện hình thức chuyển quyền sở hữu khác hoặc để thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự. Trường hợp thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh mua bán, trao đổi, tặng cho, thực hiện chuyển quyền sở hữu khác hoặc để thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự và để thừa kế ở trong nước. Không được kinh doanh, mua bán bảo vật quốc gia. Không kinh doanh, xuất khẩu di vật cổ vật.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, điểm nhấn quan trọng của Luật là số hóa di sản văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử. Việc chuyển đổi số di sản văn hóa quy định trong Luật góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “Tạo bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh và hiện đại”.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
Anh Thảo