Sở hữu tài nguyên 'đặc biệt', nông dân có cơ hội sống sung túc

Sở hữu tài nguyên 'đặc biệt', nông dân có cơ hội sống sung túc
4 giờ trướcBài gốc
Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua đã kéo theo dòng di cư lớn từ nông thôn ra thành thị. Người trẻ rời làng quê để tìm kiếm cơ hội việc làm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, để lại phía sau những vùng nông thôn với dân số già hóa dần.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44% vào năm 2024, tăng đáng kể so với mức khoảng 17% vào năm 1990.
Hệ quả là nhiều nơi đồng ruộng bị bỏ hoang, đặc biệt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, nơi đất nông nghiệp từng là nguồn sống chính.
Các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân gần đây, trong đó có nội dung tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn cho doanh nghiệp tư nhân, có thể góp phần giúp các doanh nghiệp lớn nhỏ phát triển kinh tế không chỉ ở các thành phố lớn, mà còn ở các địa phương, các vùng nông thôn, từ công nghiệp, dịch vụ đến du lịch và nông nghiệp.
Nghị quyết 68 hướng tới việc dỡ bỏ các rào cản hành chính và giải phóng tiềm năng của khu vực tư nhân, trong tất cả các lĩnh vực. Xu hướng này từng diễn ra tại Trung Quốc.
Nhiều vùng nông thôn tại Việt Nam có tiềm năng phát triển nông nghiệp quy mô lớn và/hoặc du lịch. Ảnh: AMG
Trung Quốc: Biến đất bỏ hoang thành ‘kho báu’ nông thôn
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc chứng kiến tốc độ đô thị hóa “chóng mặt”. Theo South China Morning Post, đến năm 2023, hơn 65% dân số Trung Quốc sống tại các đô thị - con số tăng vọt so với chưa tới 20% của năm 1980. Người trẻ ở nông thôn đổ xô lên thành phố. Hậu quả là nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không còn được canh tác hay sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, từ năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra chiến lược “Rural Revitalization“, thường được gọi là “phát triển nông thôn mới”. Theo chính sách này, Trung Quốc đặt mục tiêu “hiện đại hóa toàn diện nông thôn” đến năm 2035 và hoàn tất "một ngành nông nghiệp vững mạnh và đạt được sự thịnh vượng toàn diện cho người nông dân" vào năm 2050.
Tất nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng duy trì nghiêm ngặt một diện tích đất nông nghiệp tối thiểu 1,8 tỷ mẫu (khoảng 120 triệu ha), gọi là “lằn ranh đỏ diện tích đất trồng trọt” để đảm bảo không bị chuyển đổi tùy tiện sang mục đích phi nông nghiệp.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách “hợp nhất nông thôn”, vận động người dân góp đất cho các hợp tác xã, doanh nghiệp để tái tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, có hiệu quả cao hơn. Theo Xinhua, chính sách này khuyến khích chuyển đổi từ nông nghiệp nhỏ lẻ sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi kèm là đầu tư công nghệ, máy móc và liên kết thị trường.
Đặc biệt, các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, JD, Tencent... đã nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp. Alibaba thành lập công ty con “Alibaba Digital Agriculture” triển khai nền tảng phân phối nông sản qua thương mại điện tử và chuỗi cung ứng. Tại tỉnh Tứ Xuyên, Alibaba đầu tư xây dựng “trung tâm dữ liệu nông nghiệp” giúp nông dân bán sản phẩm qua nền tảng Taobao.
Ngoài sản xuất, đất nông nghiệp được chuyển hướng thành các vùng phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió hoặc thành các khu du lịch nông thôn. Người dân góp đất, góp nhà bỏ hoang cho các doanh nghiệp lớn để các tập đoàn này cải tạo, phát triển dự án và chia lợi nhuận theo tỷ lệ thỏa thuận.
Kết quả, nhiều hộ dân nông thôn Trung Quốc từng bước giàu lên không chỉ nhờ giá đất tăng mà còn do biết “góp đất làm ăn”.
Cơ hội cho nông dân Việt Nam bứt phá
Ở Việt Nam, bức tranh nông thôn đang hiện rõ nhiều điểm tương đồng. Quá trình đô thị hóa khiến người trẻ tại các tỉnh thành nhỏ đổ lên các thành phố lớn để học hành, làm việc. Tại nhiều làng quê, phần lớn chỉ còn người già, trẻ nhỏ. Nhiều nơi đất vườn, đất ruộng bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.
Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 12 triệu ha đất canh tác.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ gia tăng miễn thuế đất nông nghiệp, nới lỏng chính sách mua bán đất nông nghiệp... nhằm khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Gần đây, nông thôn Việt Nam đang có sự phát triển khá mạnh trở lại, không chỉ nhờ hạ tầng tốt hơn, giá đất tăng lên, người dân đầu tư cho sản xuất ở quy mô lớn hơn, mà còn có nhiều dịch vụ khác như phát triển du lịch.
Tương tự như Trung Quốc, cơ hội lớn nhất với nông dân Việt Nam có thể nằm ở việc biết tận dụng đất đai nông thôn để hợp tác hoặc tự phát triển các mô hình kinh tế mới. Việc hình thành các mô hình nông nghiệp lớn có thể áp dụng công nghệ cao vào để tăng năng suất, chất lượng.
Nhiều tập đoàn lớn như Vinamilk, TH True Milk, hay các startup như GreenPath, Orlar... bước đầu đã triển khai mô hình liên kết nông dân theo chuỗi giá trị - cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra.
Việt Nam có nhiều vùng quê sở hữu phong cảnh tự nhiên đẹp, khí hậu trong lành, rất tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Nhiều homestay, farmstay đã mọc lên từ việc người dân góp đất, góp nhà, sau đó các công ty cải tạo lại và chia lợi nhuận. Mô hình làng du lịch cộng đồng ở Mai Châu, Pù Luông, Ninh Bình hay các dự án tại Mộc Châu, Hà Giang... là minh chứng rõ ràng.
Ở lĩnh vực năng lượng, các cánh đồng điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận cũng bắt đầu từ việc gom đất của người dân, sau đó các tập đoàn đầu tư vào hạ tầng và vận hành.
Nông dân Việt Nam, với lợi thế đất đai và với xu hướng quay về nông thôn của nhiều người trẻ và các tập đoàn lớn, hoàn toàn có thể bước vào “kỷ nguyên thịnh vượng mới”.
Mạnh Hà
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/so-huu-tai-nguyen-dac-biet-nong-dan-co-co-hoi-giau-but-pha-2404209.html