Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại hội nghị
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chủ trì hội nghị tại điểm cầu An Giang. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; đại diện lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể, địa phương và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng tham dự.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được triển khai chính thức từ tháng 6/2024 đến nay, diện tích áp dụng theo quy trình 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn tỉnh đạt được 8.536ha/20.609ha, đạt 41,4% diện tích theo kế hoạch. Trong năm 2025, An Giang sẽ thực hiện diện tích 44.051ha tại 11 huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là cuộc cách mạng về tư duy của ngành lúa gạo đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, đất đai ngày bị chai cứng do sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp… để phát triển bền vững.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị các đơn vị, địa phương không trong chờ sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, cần phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, năng động trong triển khai thực hiện. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, doanh nghiệp, thương lái và nông dân về những lợi ích của đề án trên địa bàn tỉnh An Giang.
Các địa phương cần rà soát, mạnh dạn đăng ký mở rộng diện tích ruộng canh tác theo đề án theo hướng chọn việc dễ, thuận lợi làm trước, cái khó tiếp tục làm sau nhằm đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Chủ động tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa chính quyền với hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp để lắng nghe những vướng mắc trong thực hiện đề án, từ đó đề ra các giải pháp thực hiện tốt hơn. Xây dựng thương hiệu gạo An Giang giảm phát thải để xuất khẩu các thị trường khó tính trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp; các ngân hàng nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn về vay vốn trong sản xuất nông nghiệp.
TRỌNG TÍN