Số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt bất ngờ tăng kỷ lục

Số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt bất ngờ tăng kỷ lục
3 giờ trướcBài gốc
Sản xuất dày da - một trong ngành xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Sự kiện được tổ chức kết hợp với Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết thường niên năm 2024 với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch và các thành viên trên thị trường.
Bước sang năm thứ 17, VLCA 2024 tiếp tục khẳng định vị thế là sự kiện uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuộc bình chọn không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh những doanh nghiệp niêm yết có nỗ lực vượt bậc trong việc báo cáo và công bố thông tin, thực hiện các quy định, thông lệ tốt về quản trị, thực hành tốt về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) tại doanh nghiệp mà còn là nền tảng thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới các chuẩn mực quản trị tiên tiến, minh bạch thông tin và phát triển bền vững.
Sau gần 6 tháng bình chọn, vượt qua hơn 500 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn được 44 doanh nghiệp xuất sắc ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững để chính thức vinh danh.
Điều này phản ánh xu hướng công bố thông tin về phát triển bền vững ngày càng được coi trọng. Đồng thời, nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững cũng được ghi nhận.
Các tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục được áp dụng trong Báo cáo Phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài GRI, một số doanh nghiệp đã áp dụng thêm các khung báo cáo khác như CDP, SASB và SDG. Mô hình Ủy ban ESG cũng được áp dụng nhiều hơn so với năm ngoái.
Ngoài ra, vấn đề về đa dạng sinh học cũng bắt đầu được đề cập trong báo cáo của một số doanh nghiệp. Số lượng các công ty đặt mục tiêu về phát thải khí nhà kính và báo cáo ở phạm vi 1 và 2 đã tăng đáng kể.
Theo đó, 2/3 các doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo đã công bố dữ liệu về phát thải khí nhà kính. Điểm trung bình về phát thải khí nhà kính đã tăng so với năm 2023. Đặc biệt có 2 doanh nghiệp là VNM và STK đã đặt mục tiêu phát thải theo SBTi.
Tuy vậy, theo Hội đồng Bình chọn, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần cải thiện, bao gồm một số doanh nghiệp chưa duy trì được chất lượng báo cáo như các năm trước; một số doanh nghiệp vẫn còn tham chiếu đến chuẩn GRI cũ và đa số chỉ dừng ở cấp độ tham chiếu thay vì tuân thủ; việc áp dụng các khung báo cáo, đặc biệt là khung theo ngành vẫn còn hạn chế; rất ít doanh nghiệp có sự đảm bảo độc lập đối với chỉ tiêu phát thải khí nhà kính…
Ở nội dung quản trị công ty, mặc dù các doanh nghiệp niêm yết đã có nhiều tiến bộ, song kết quả cũng cho thấy nhiều điểm yếu cần cải thiện. Đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức tuân thủ, công bố thông tin theo luật định mà chưa tự nguyện áp dụng theo thông lệ tốt nhất về quản trị công ty. Số lượng doanh nghiệp có báo cáo thường niên bằng Tiếng Anh chưa có sự tăng trưởng so với các năm trước…
Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Chủ tịch Hội đồng bình chọn VLCA 2024 cho biết, Việt Nam hiện đang trên lộ trình cải thiện chất lượng quản trị công ty với mong muốn trở thành một trong 5 quốc gia có hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt nhất khu vực ASEAN. Điều này không chỉ là một mục tiêu, chiến lược quan trọng mà còn là nền tảng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo dựng hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng tài chính quốc tế.
"Hướng tới mục tiêu này, VLCA không chỉ dừng lại ở việc bình chọn và vinh danh. Chúng tôi đặt ra mục tiêu nâng tầm vị thế của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến quản trị tiên tiến, khuyến khích sự cam kết của các doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt, góp phần xây dựng một thị trường tài chính vững mạnh. Để làm được điều này chúng tôi kêu gọi một sự chung tay nỗ lực chung với chiến lược tổng thể và sự phối hợp thực hiện từ cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các đối tác trên thị trường để nâng cao chất lượng doanh nghiệp và chất lượng thị trường" bà Đào nhấn mạnh.
Theo bà Trần Anh Đào, một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng trong khu vực ASEAN là việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Qua hạng mục quản trị công ty, VLCA tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc quản trị của OECD và các thông lệ tốt nhất từ những thị trường phát triển. Những tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của cổ đông, tăng cường tính minh bạch trong công tác điều hành, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Được biết, cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do HOSE, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức. Năm 2024 cũng là lần thứ 17 chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh, đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết./.
H.Chung/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/so-luong-cac-cong-ty-lap-bao-cao-phat-trien-ben-vung-rieng-biet-bat-ngo-tang-ky-luc/353665.html