Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: MOJ.
Ngày 21/02, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam phối hợp với Liên minh Công chứng quốc tế tổ chức Hội nghị lần thứ 7 của Ban lãnh đạo Liên minh Công chứng quốc tế (UINL).
Hội nghị có sự tham gia của đại biểu từ 18 quốc gia đang giữ các vị trí lãnh đạo trong Liên minh Công chứng quốc tế và chủ tịch các Ủy ban thuộc các châu lục. Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là chủ nhà, đăng cai tổ chức Hội nghị này.
Chương trình nghị sự bàn về các vấn đề quan trọng của Liên minh như Đạo luật mẫu về công chứng quốc tế; nghe báo cáo kết quả hoạt động của các nhóm công tác và nhóm Ủy ban; việc cải cách điều lệ và quy chế; cử nhân sự bổ sung vào các nhóm công tác, các ủy ban của Liên minh…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh Liên minh Công chứng Quốc tế đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công chứng trên toàn cầu. Bộ Tư pháp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Liên minh Công chứng Quốc tế đã đạt được trong việc xây dựng một cộng đồng công chứng chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.
Thứ trưởng cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống công chứng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Việt Nam luôn mong muốn học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia thành viên Liên minh Công chứng Quốc tế để nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việt Nam là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng quốc tế. Sự kiện gia nhập Liên minh Công chứng Quốc tế không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của hệ thống công chứng Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, học hỏi và phát triển cùng các nền công chứng tiên tiến trên thế giới. Công chứng đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm an toàn pháp lý, góp phần xây dựng một nền tư pháp minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Việc trở thành thành viên của Liên minh Công chứng Quốc tế sẽ giúp Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tiếp cận được những kinh nghiệm quý báu, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực công chứng.
Liên minh Công chứng quốc tế gồm 94 thành viên là các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên tại các quốc gia áp dụng hệ thống công chứng Latin.
Đây là tổ chức lớn nhất của các công chứng viên trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam tham gia UINL năm 2013, là thành viên thứ 84 của tổ chức này.
Thứ trưởng khẳng định Bộ Tư pháp Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng Liên minh Công chứng Quốc tế trong các sáng kiến hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực công chứng.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp Hội Công chứng viên Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết theo thống kê tính đến tháng 12 năm 2024, số lượng công chứng viên của cả nước là 3457 công chứng viên. Số lượng này đã tăng lên đáng kể so với những năm trước đây, thể hiện sự phát triển và phổ biến của nghề công chứng tại Việt Nam.
Trong những ngày diễn ra hội nghị này, Bộ Tư pháp đang tổ chức chấm bài thi cho 3.100 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi kiểm tra hành nghề công chứng, và trong năm 2025 hy vọng sẽ có một đội ngũ công chứng viên mới được Bộ Tư pháp bổ nhiệm.
Để được bổ nhiệm công chứng viên, cá nhân phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật, phải công tác trong ngành luật ít nhất 3 năm, phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và đạt kết quả của kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Quyết định bổ nhiệm công chứng viên được ban hành bởi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng chịu trách nhiệm quản lý và giám sát hoạt động của các công chứng viên cũng như các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước.
Căn cứ Luật Công chứng của Việt Nam, công chứng viên được thực hiện tất cả các giao dịch hợp pháp được quy định trong Luật, do đó công chứng viên phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi, bổ sung các quy định pháp luật để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc, thực hiện một cách chính xác và hiệu quả.
Như Nguyệt