Số lượng phải song hành chất lượng

Số lượng phải song hành chất lượng
17 giờ trướcBài gốc
Thực tế cho thấy, một điểm nghẽn cố hữu, vẫn chưa được khắc phục trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua chính là tình trạng chậm, nợ đọng văn bản hướng dẫn. Chính sự chậm trễ này đã làm cho một số quy định của luật bị “treo”, gây khó cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng chính là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước yêu cầu hội nhập, trước yêu cầu của “kỷ nguyên mới”, đòi hỏi chúng ta cần đổi mới tư duy lập pháp, trong đó, phải khắc phục cho bằng được tình trạng luật “chờ” nghị định, nghị định “chờ” thông tư.
Trong những kỳ họp gần đây, đặc biệt Kỳ họp thứ Tám vừa qua, việc đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành. Với số lượng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám là rất lớn, điều này đòi hỏi sự nỗ lực, khẩn trương hơn nữa của các cơ quan của Chính phủ trong công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết, nhất là có những luật chỉ còn vài ngày nữa là có hiệu lực thi hành ngày 1.12.2024; một số luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.
Qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết. Với quyết tâm không tạo “khoảng trống pháp luật”, các bộ, ngành đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Có tới 130 văn bản chi tiết mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành để hướng dẫn luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Mới đây, ngày 19.12.2024 - thời điểm Kỳ họp thứ Tám kết thúc chưa đầy 3 tuần, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1610/QĐ-TTg về danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Điều đó cho thấy, Thủ tướng, Chính phủ đã rất tích cực, chủ động để quyết tâm không xảy ra tình trạng luật “chờ” văn bản hướng dẫn. Qua đó, nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập pháp luật để khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội.
Ban hành 130 văn bản để quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua là một khối lượng công việc rất lớn, là thách thức không nhỏ trong tình hình các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Trong khi thời điểm các luật có hiệu lực đang đến rất gần, điều này đòi hỏi Chính phủ, bộ, ngành quyết tâm, nỗ lực rất lớn để về đích. Theo đó, các cơ quan được giao chủ trì xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mặt thời gian. Trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết, cần lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động một cách thực chất để bảo đảm khi ban hành chính sách sát thực tiễn, khả thi. Đặc biệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; tăng cường trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong trực tiếp chỉ đạo, thực hiện xây dựng, ban hành văn bản chi tiết. Cùng với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan thẩm định các dự thảo trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc “cài cắm lợi ích” trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn, tuyệt đối tránh vì lợi ích của bộ, ngành mà “đẻ” ra các thủ tục xin - cho, làm khó người dân, doanh nghiệp.
Khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết để kịp thời hướng dẫn luật, nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, các bộ ngành, cơ quan soạn thảo văn bản chi tiết phải đặt chất lượng lên hàng đầu, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, sự nhất quán về chính sách, “coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng”.
Song Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/so-luong-phai-song-hanh-chat-luong-post400418.html