Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vẫn tăng

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vẫn tăng
7 giờ trướcBài gốc
Tăng cường kết nối mở các phiên giao dịch việc làm là giải pháp hiệu quả để giảm số người thất nghiệp. Ảnh: L.H.
Hơn 1 triệu lao động thất nghiệp
Báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 53,2 triệu người trong quý IV/2024. Đồng thời, số lượng người có việc làm cũng tăng lên đáng kể, đạt 51,9 triệu người, tăng 585.100 người so với năm trước.
Trái lại, số người không có việc làm trong độ tuổi lao động đã giảm đáng kể trong quý IV, chỉ còn 764.600 người, giảm 142.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng thêm 610.000 đồng so với năm trước, tăng 8,6%.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm qua đã có sự cải thiện đáng kể, giảm xuống còn 2,24%, tương đương với hơn 1 triệu người thất nghiệp. Như vậy, tình hình thất nghiệp năm nay ở Việt Nam cải thiện hơn so với năm trước, tuy nhiên vẫn dao động quanh mức 2,2% như thời kỳ trước dịch Covid-19.
Đáng chú ý, so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý IV/2024 giảm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 tuổi - 24 tuổi) tăng.
Theo báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên năm 2024” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu năm 2023 là 13% và dự kiến sẽ giảm xuống mức 12,8% trong năm 2024 và 2025.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi trong quý IV/2024 ở mức 7,96%, thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu, nhưng vẫn duy trì mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,02%, cao hơn 1,61 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này giảm ở khu vực thành thị và tăng ở khu vực nông thôn.
Theo Bộ LĐTBXH, thị trường lao động việc làm phục hồi nhanh và có bước phát triển đột phá trong thời gian gần đây. Nhưng vẫn có sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất. Qua khảo sát nhanh tại một số địa phương, có xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động nhưng không nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm và Tết Nguyên đán, trong khi doanh nghiệp không có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động. Số lao động mà doanh nghiệp thiếu chủ yếu là lao động phổ thông, trong các ngành dệt may, lắp ráp điện tử.
Xây dựng thể chế thị trường lao động
Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) đánh giá, năm 2025 sẽ là một năm với nhiều kỳ vọng và cơ hội để bứt phá. Đó là khi các thách thức vĩ mô như lạm phát và lãi suất cao ở các quốc gia bắt đầu ổn định; nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện là địa điểm thu hút FDI hấp dẫn hàng đầu khu vực và trên thế giới; cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Để bắt kịp với tốc độ phát triển chung của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam sẽ cần vượt qua những thách thức, giới hạn hiện tại và có những đột phá cụ thể để vươn mình lớn mạnh hơn nữa.
Trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lao động không có trình độ mất việc có thể gia tăng, thu nhập có thể giảm sút. Lực lượng lao động cũng có nguy cơ giảm khi người lao động rời bỏ thị trường vì cơ hội việc làm mất đi khi sản xuất kinh doanh chuyển đổi mô hình sử dụng máy móc tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy học…
Thách thức lớn nhất có lẽ là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu khi thông tin thị trường lao động còn hạn chế. Đồng thời, kỹ năng và trình độ của người lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.
Xuất phát từ thực tế trên, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, sẽ tăng cường kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công - tư, cũng như khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm hoặc chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường. Cùng với đó là nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của người lao động trong các doanh nghiệp. Đặc biệt xây dựng thể chế thị trường lao động, nhất là Luật Việc làm (sửa đổi), cơ bản hoàn thiện chính sách việc làm, thị trường lao động hiện đại, hội nhập, linh hoạt, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Nhấn mạnh, phát triển thị trường lao động là một trong những ưu tiên hàng đầu. Không chỉ đảm bảo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu trong các ngành nghề, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) Lê Văn Thanh cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2025. Vì vậy, sẽ tập trung xây dựng thể chế, các thông tư và nghị định một cách rõ ràng, tránh chồng chéo nội dung và đảm bảo chất lượng, tiến độ. Theo đó, yêu cầu Cục Việc làm cần xây dựng khung đánh giá rõ ràng về các xu hướng thị trường lao động và đề xuất các giải pháp kịp thời cho vấn đề thất nghiệp. Chủ động dự báo cung cầu lao động để có thể điều chỉnh chính sách một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/so-nguoi-that-nghiep-trong-do-tuoi-lao-dong-van-tang-10298048.html