Số người tiêm vaccine cúm ở TP.HCM tăng cao sau vụ Từ Hy Viên

Số người tiêm vaccine cúm ở TP.HCM tăng cao sau vụ Từ Hy Viên
5 giờ trướcBài gốc
Lượng người dân TP.HCM đi tiêm vaccine cúm tăng cao trong những ngày đầu năm. Ảnh minh họa: Văn Nguyện.
Ngồi ở hàng ghế chờ sau khi tiêm vaccine cúm, chị Thùy Vân (31 tuổi, ngụ TP.HCM) giữ túi xách cho người bạn đang vào tiêm. Là nhân viên văn phòng, chị tranh thủ xin nghỉ vài giờ vào sáng thứ Sáu để đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm vaccine cúm.
Chị Vân cho biết trước đây mỗi năm có thể mắc cúm 3-4 lần, nhưng do nghĩ đây là bệnh nhẹ, chị thường chỉ mua vài viên kháng sinh uống. Với thể trạng khỏe mạnh, sau 4-5 ngày chị tự khỏi mà không gặp biến chứng. Vì vậy, từ nhỏ đến lớn, chị chưa bao giờ tiêm vaccine cúm hay quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, sau khi nghe tin nữ thần tượng Từ Hy Viên qua đời do cúm, cùng với việc một số bệnh viện ở phía Bắc có ca cúm nặng phải chạy ECMO, chị bắt đầu lo lắng và quyết định tiêm phòng.
Đi cùng chị Vân là Hạnh, đồng nghiệp trong công ty. Hạnh có thể trạng yếu, phải chạy thận ba lần mỗi tuần. Khi biết bệnh cúm có thể trở nặng, đặc biệt với người có bệnh nền, chị đã nhanh chóng sắp xếp công việc để đi tiêm vaccine phòng ngừa.
Lượng người đi tiêm cúm tăng gấp đôi
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ThS.BS Nguyễn Minh Ngọc, Phụ trách Phòng khám Đa khoa Viện Pasteur TP.HCM, cho biết sau kỳ nghỉ Tết, số người đến tiêm vaccine cúm tại phòng tiêm chủng của Viện đã tăng gần gấp đôi so với trước đó.
Bác sĩ nhận định, nguyên nhân có thể là người dân lo ngại trước thông tin về diễn biến dịch cúm mùa tại miền Bắc, nơi số ca mắc đang gia tăng. Đặc biệt, sự kiện ca tử vong do nhiễm cúm tại Nhật Bản cũng khiến nhiều người quan tâm hơn đến việc chủ động tiêm vaccine phòng bệnh.
Đông người dân đi tiêm vaccine cúm tại Viện Pasteur TP.HCM ngày 7/2. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Theo bác sĩ Ngọc, bệnh cúm có thể gây nhiều biến chứng từ nhẹ như viêm tai giữa đến các biểu hiện nặng hơn như viêm phổi, nhiễm trùng huyết… có thể gây tử vong. Đối với thai phụ, cúm có thể gây sinh non hoặc sảy thai. Người có bệnh tim mạch nếu bị cúm sẽ tăng nguy cơ đột quỵ cũng như nhồi máu cơ tim.
"Cúm gây các triệu chứng nặng hơn cảm lạnh thông thường, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi", bác sĩ Ngọc nói.
Những người mắc cúm thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao dễ mắc cúm, có biến chứng nặng cần tiêm phòng là nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
Kết quả nghiên cứu đặc tính bệnh cúm ở khu vực phía Nam do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện cho thấy bệnh cúm xuất hiện rải rác quanh năm với tỷ lệ xét nghiệm dương tính virus đạt 18,6%.
Cúm thường bùng phát mạnh nhất vào tháng 10 hàng năm, với sự xuất hiện của ba phân type chính: A/H1N1, A/H3 và cúm B. Nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cúm cao nhất là trẻ em từ 0-9 tuổi, trong khi tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ không có sự chênh lệch đáng kể.
Tại Viện Pasteur TP.HCM, đa số người đến tiêm vaccine cúm là người trưởng thành, sinh sống và làm việc tại địa bàn. Tỷ lệ người có bệnh nền và không có bệnh nền đến tiêm không có sự chênh lệch đáng kể, cho thấy nhu cầu phòng bệnh cúm được quan tâm rộng rãi ở nhiều nhóm đối tượng.
Biện pháp phòng cúm hiệu quả nhất
Không chỉ các cơ sở y tế công lập, nhiều đơn vị tiêm chủng tư nhân cũng ghi nhận lượng người đến tiêm vaccine cúm tăng mạnh.
Đầu năm 2025, số lượt người đến tiêm chủng tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tăng 5% so với cuối năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tiêm vaccine cúm và phế cầu tăng gấp đôi, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh cúm và tầm quan trọng của tiêm chủng phòng bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm, với 3-5 triệu ca bệnh nặng và từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A/H1N1.
Bác sĩ Lê Thanh Khôi, Trưởng Hội đồng Y khoa của đơn vị này, cho biết virus cúm A/H1N1 có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, virus có thể sống 24-48 giờ.
Trong quần áo, thời gian tồn tại là 8-12 giờ.
Khi bám vào lòng bàn tay, virus có thể duy trì trong khoảng 5 phút.
Mầm bệnh có thể tồn tại lâu trong môi trường nước, đặc biệt trong các hồ bơi và điểm bơi công cộng. Cụ thể:
Ở nhiệt độ 22°C, virus có thể sống đến 4 ngày.
Ở nhiệt độ 0-4°C, thời gian tồn tại kéo dài vài tuần.
Đặc biệt, khi bị đông khô ở -20°C, virus cúm có thể tồn tại cả năm.
Điều này lý giải vì sao những khu vực ẩm thấp, ít ánh nắng như hồ bơi công cộng... có thể trở thành môi trường lý tưởng để virus cúm hoạt động mạnh và lây lan nhanh.
WHO cho biết việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70-80%, có hiệu lực bảo vệ lên tới 80%-90%. Tính riêng với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, tiêm vaccine có thể giảm 35% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân tim mạch, giảm 58% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, giảm 70% tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Nguyễn Thuận
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/so-nguoi-tiem-vaccine-cum-o-tphcm-tang-cao-sau-vu-tu-hy-vien-post1529936.html