Số phận những 'gã khổng lồ' Mỹ tại Trung Quốc sẽ ra sao trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump?

Số phận những 'gã khổng lồ' Mỹ tại Trung Quốc sẽ ra sao trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump?
3 giờ trướcBài gốc
Hết thời là "miền đất hứa"
Apple, Tesla và Starbucks là những thương hiệu Mỹ có sức ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc. Sự hiện diện của các "ông lớn" này không chỉ là những câu chuyện thành công trong kinh doanh mà còn là biểu tượng cho thiện chí giữa hai quốc gia qua nhiều năm. Nhiều người Trung Quốc từ lâu đã quen với việc lái xe Tesla, cầm trên tay cốc Starbucks và lướt iPhone.
Các giám đốc điều hành của ba “gã khổng lồ” này cũng trở thành những "đại sứ thiện chí" của xứ cờ hoa tại thị trường tỷ dân. Tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập Tesla, đã nhiều lần bước vào khu vực Trung Nam Hải, vốn là nơi làm việc và sinh sống được bảo vệ nghiêm ngặt dành cho các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
Apple, Tesla và Starbucks là những thương hiệu Mỹ có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)
CEO của Apple Tim Cook là người đứng đầu một Ủy ban tư vấn quốc tế của Đại học Thanh Hoa danh tiếng, tạo điều kiện cho ông tiếp cận trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng viết thư cho ông Howard Schultz, Chủ tịch danh dự của Starbucks, nhằm khuyến khích thương hiệu đình đám này đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, mối quan hệ thân thiết này có thể gặp nhiều thách thức trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump do tình hình thị trường biến động và quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Trước hết, thị trường Trung Quốc đang trở nên khó chinh phục hơn đối với các thương hiệu này. Sau nhiều năm mở rộng tại Trung Quốc, giờ đây, những ly latte đắt đỏ và các loại đồ uống pha chế phức tạp của Starbucks dần không còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại đất nước tỷ dân.
Có thể trong tương lai, Starbucks sẽ trở thành một thương hiệu nhượng quyền như McDonald’s hay Coca-Cola, khi thương hiệu vẫn thuộc về Mỹ, hoạt động lại do các công ty Trung Quốc điều hành.
Ngoài ra, Apple cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu nội địa như Huawei và Xiaomi. Tesla cũng chịu sức ép tương tự trong lĩnh vực xe điện, khi các thương hiệu nội địa ngày càng bắt kịp về thiết kế và khả năng sản xuất.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý dữ liệu không thống nhất có thể dẫn đến việc các thương hiệu Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn. "Vạn lý tường lửa" từ lâu đã là trở ngại đối với các công ty internet nước ngoài như Google và Facebook.
Những nỗ lực miệt mài nhưng bất thành của ông chủ Meta Mark Zuckerberg trong việc đưa mạng xã hội của mình vào Trung Quốc chỉ càng khẳng định, Bắc Kinh kiên quyết không đánh đổi an ninh mạng để đáp ứng các tham vọng kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ.
"Hòn đá tảng" giúp cân bằng quan hệ Mỹ-Trung Quốc
Trong thời đại của trí tuệ nhân tạo và Big Data, hầu hết các doanh nghiệp xuyên biên giới đều phải đối mặt với những thách thức tương tự. Apple vẫn đang chờ phê duyệt từ Bắc Kinh để đưa Apple Intelligence đến người dùng iPhone tại Trung Quốc, mặc dù CEO Tim Cook đã có ba chuyến thăm tới quốc gia này trong năm 2024.
Trong khi đó, Tesla cũng phải “ngóng trông” sự chấp thuận của đất nước tỷ dân đối với công nghệ tự lái hoàn toàn của mình.
Hai "gã khổng lồ" công nghệ này nhiều khả năng sẽ được "bật đèn xanh" trong tương lai. Apple và Tesla được kỳ vọng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lưu trữ và bảo vệ dữ liệu, tương tự như cách TikTok của ByteDance phải chấp hành nhiều quy định dữ liệu khắt khe tại Mỹ.
Tỷ phú Elon Musk trong buổi ra mắt chương trình Tesla’s China-made Model Y tại Thượng Hải năm 2020. (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, Apple, Tesla và Starbucks có thể phải đối diện với làn sóng phản đối chính trị ngay tại quê nhà, khi Washington ngày càng thắt chặt giám sát, kể cả với những hoạt động kinh doanh thông thường với Trung Quốc.
Một nghị sĩ Mỹ đã cảnh báo mối quan hệ của tỷ phú Elon Musk với Bắc Kinh có thể bị lợi dụng, gây nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Khi sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày càng gay gắt, nhiều công ty Mỹ – từng được coi là hình mẫu về thành công kinh doanh tại Trung Quốc – đã phải cắt giảm sự hiện diện của mình tại thị trường này.
Đây không phải một cục diện lạc quan, bởi các mối quan hệ kinh doanh này từng được ví như "hòn đá tảng" giữ vững sự cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, việc Apple, Tesla và Starbucks tiếp tục thành công tại Trung Quốc không chỉ mang ý nghĩa sống còn đối với chính các “ông lớn” này mà còn góp phần duy trì sự ổn định cho mối quan hệ song phương.
Tựu trung, sự thành công hay thất bại của các thương hiệu hàng đầu như Apple, Tesla và Starbucks tại Trung Quốc không chỉ phản ánh thách thức mà các công ty Mỹ phải đối mặt trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, mà còn là phép thử cho khả năng duy trì sự gắn kết kinh tế giữa hai cường quốc.
Trong một thế giới đầy biến động, việc tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và áp lực chính trị sẽ là yếu tố then chốt định hình tương lai của cả doanh nghiệp và quan hệ chính trị, ngoại giao.
(theo SCMP)
Ngọc Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/so-phan-nhung-ga-khong-lo-my-tai-trung-quoc-se-ra-sao-trong-nhiem-ky-thu-hai-cua-ong-trump-295147.html