Bộ Ngoại giao Mỹ thời gian gần đây đã công bố gói bảo dưỡng trị giá 266 triệu USD cho phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine trong bối cảnh chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden đang gấp rút cung cấp viện trợ cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Chiến đấu cơ F-16 tại một căn cứ của Ukraine. Ảnh: Kiev Independent
Ông Trump không đưa ra bất cứ bình luận công khai nào liên quan đến phi đội F-16 của Ukraine, nhưng có ý định cắt giảm hỗ trợ cho Kiev và giúp Mỹ tránh sa lầy vào cuộc chiến Nga-Ukraine. Điều này đã đặt ra câu hỏi về số phận những chiếc máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine đang sở hữu nếu Washington cắt viện trợ quân sự.
F-16, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng Lực lượng Không quân hiện đại của Ukraine. Việc loại bỏ chúng khỏi cuộc chơi có thể làm suy yếu khả năng phòng không của Ukraine, khiến quốc gia này dễ bị Nga tấn công trên không hơn.
Hà Lan và Đan Mạch là những nước đầu tiên cung cấp F-16 cho Ukraine vào đầu năm nay. Chính phủ Đan Mạch thông báo chuyển giao lô thứ hai cho Kiev vào ngày 7/12. Na Uy và Bỉ cũng cam kết cung cấp dòng chiến đấu cơ này từ kho dự trữ khi họ chuyển sang sử dụng tiêm kích F-35 tiên tiến hơn.
Mặc dù Mỹ không cung cấp bất kỳ máy bay nào từ kho vũ khí của họ cho Ukraine, nhưng Washington đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo phi công Ukraine và hỗ trợ quá trình bảo trì, bảo dưỡng. Gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine bao gồm nhiều hệ thống liên quan đến bảo dưỡng, chẳng hạn như phần mềm vũ khí, phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu và Hệ thống lập kế hoạch nhiệm vụ chung (JMPS).
Vì F-16 là máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất nên các đồng minh châu Âu cần sự cho phép của Washington để có thể cung cấp cho Ukraine. Về mặt lý thuyết, chính quyền Tổng thống Trump có thể chấm dứt nguồn cung cấp F-16 của châu Âu cho Ukraine bất cứ khi nào.
Liệu châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống?
Một số nhà quan sát đã đặt câu hỏi, nếu Mỹ dừng cung cấp các gói bảo dưỡng cho tiêm kích F-16 của Ukraine, liệu các nước châu Âu có khả năng bù đắp lỗ hỗng này. Ông Peter Layton, chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith Châu Á cho rằng: “Châu Âu có thể bù đắp nếu họ muốn, nhưng Mỹ phải chấp thuận việc chuyển giao của bên thứ 3. Nếu chính quyền ông Trump rút lại sự ủy quyền cho việc sử dụng tiêm kích F-16, thì mọi khoản viện trợ dành cho Ukraine liên quan đến chiến đấu cơ này sẽ bị chặn lại. Trong trường hợp đó, tình hình sẽ rất khó khăn”.
Justin Bronk, chuyên gia về Nga và tác chiến trên không tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) lưu ý, điều đáng quan tâm là số lượng nhân sự có thể đảm nhiệm vai trò đào tạo hoặc bảo dưỡng F-16 ở các nước châu Âu còn hạn chế.
Cùng chung quan điểm này, ông Peter Layton cho biết: “Khác với Mỹ, châu Âu không có nhiều nhân sự sẵn sàng cho hoạt động trên vì hầu hết đã được điều chuyển từ việc lái hoặc bảo dưỡng máy bay F-16 sang quản lý máy bay F-35 mới. Vì vậy, người châu Âu sẽ cần đưa nhân sự đang thao tác với máy bay mới quay trở lại để hỗ trợ Ukraine vận hành tiêm kích F-16. Tôi nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sử dụng máy bay chiến đấu F-35 của châu Âu".
Tác động đến tiền tuyến
Nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng, F-16 không phải là “viên đạn bạc”. Với số lượng tiêm kích ít ỏi mà Ukraine có ở thời điểm hiện tại, rất khó để họ có thể đảm bảo ưu thế trên không. Nhưng xét cho cùng, F-16 vẫn là khí tài có giá trị giúp tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công của Kiev.
Ukraine đã sử dụng tiêm kích này để đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái mà Nga sử dụng trong các cuộc không kích. Chúng cũng có thể được triển khai để phóng tên lửa và bom vào các vị trí của Nga dọc theo tiền tuyến.
"Nếu loại F-16 ra khỏi phương trình chiến đấu ngay bây giờ, chúng ta có thể sẽ không thấy những thay đổi đáng kể trong khả năng phòng thủ của Ukraine", ông Bronk nhấn mạnh.
Các phi công Ukraine vẫn đang tìm cách khắc phục những trở ngại ban đầu liên quan đến việc sử dụng hệ thống vũ khí, phương pháp tiếp cận và cách vận hành mới, "đặc biệt là quản lý hệ thống radar của máy bay.
"Việc chuyển các phi công có kinh nghiệm của Ukraine sang vận hành F-16 để thực hiện những nhiệm vụ như đánh chặn UAV Shahed hoặc tên lửa hành trình vào ban đêm cũng là một thách thức lớn bởi quy trình điều khiển rất khác biệt so với tiêm kích MiG-29 hoặc Su-27. Tuy nhiên, về trung hạn, Ukraine có thể chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong nỗ lực xây dựng lực lượng không quân", chuyên gia này Bronk lưu ý.
Ukraine có thể xem xét các giải pháp thay thế từ châu Âu, chẳng hạn như dùng máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp hay máy bay Gripen của Thụy Điển.
Ukraine dự kiến sẽ nhận được 3 máy bay chiến đấu Mirage vào đầu năm 2025, trong khi khả năng chuyển giao máy bay phản lực Gripen của Thụy Điển vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, ông Bronk nhận định rằng, tiêm kích Mirage 2000 không phải là phương tiện lý tưởng cho nhu cầu quốc phòng của Ukraine do hạn chế về tên lửa và radar. Bên cạnh đó, việc chuyển sang sử dụng những loại máy bay khác sẽ khiến Ukraine mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Kiev Independent