Các tay súng Syria ở làng Husseiniyeh, ngoại ô thủ đô Damascus, ngày 15/12. (Ảnh: AP)
Cuộc tranh giành này có thể ngăn cản hòa bình và sự ổn định mà người dân Syria khao khát, khiến bất ổn lan sang khu vực rộng lớn hơn vốn đã bị chiến tranh tàn phá.
Trong tuần đầu tiên sau khi Tổng thống Assad rời đi, 3 cường quốc nước ngoài đã ném bom Syria nhằm đạt mục tiêu chiến lược của họ: Mỹ muốn quét sạch tàn dư của Nhà nước Hồi giáo ở miền đông, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiêu diệt lực lượng người Kurd ở vùng đông bắc và Israel muốn loại bỏ các khí tài quân sự của Syria ở nhiều địa điểm.
Trong khi đó, Nga và Iran - những bên ủng hộ chính của chính quyền Assad, vội vã rút quân hoặc tái bố trí lực lượng của họ tại quốc gia này. Một phát ngôn viên của Chính phủ Iran cho biết Iran đã sơ tán 4.000 nhân sự khỏi Syria kể từ khi Tổng thống Assad từ chức.
Nga cũng đã rút quân khỏi các căn cứ của họ ở Syria, dù chưa biết việc di dời này có phải là sự rút quân toàn diện hay không.
Những diễn biến đó cho thấy tầm quan trọng chiến lược Syria như một ngã tư của các tôn giáo, hệ tư tưởng và vị trí địa - chiến lược tiếp giáp 5 quốc gia Trung Đông. Điều này cũng cho thấy nguy cơ xảy ra biến động khi các liên minh chính trị và quân sự thay đổi, trong khi lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nắm quyền kiểm soát ở thủ đô Damascus.
Trong suốt 5 thập kỷ, gia đình Assad đã lãnh đạo Syria với đường lối chống phương Tây, trong khi thân thiết với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, cũng như với Iran.
Lực lượng Hồi giáo Sunni, bắt nguồn từ al-Qaeda, làm thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực trong khu vực. Trục ảnh hưởng đông-tây kết nối từ Tehran tới Beirut qua Iraq và Syria đã bị cắt đứt; hành lang quyền lực hiện nay chạy từ bắc xuống nam, từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria vào Jordan và các quốc gia Ả-rập Sunni ở Vịnh Ba Tư.
"Dù xoay chuyển theo cách nào thì đây cũng là một trận động đất địa - chính trị có cường độ lớn nhất ở trung tâm Trung Đông. Đó là một sự thay đổi lớn".
Firas Maksad - thành viên cấp cao của Viện Trung Đông
Nội chiến Syria vẫn có thể tiếp diễn nếu phe chiến thắng tìm cách trả thù, quân nổi dậy chia rẽ và các thế lực nước ngoài cố can thiệp.
“Đây là nỗi sợ hãi lớn. Tất cả chúng tôi đều vui mừng khi chính quyền Assad sụp đổ. Đó là một phép màu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Có rất nhiều thách thức vẫn ở phía trước”, nhà báo người Syria Ibrahim Hamidi, người đang sống lưu vong ở London và là tổng biên tập tạp chí Al-Majalla thuộc sở hữu của Ả-rập Xê-út, nói với Washington Post.
Bài toán của các bên
Cách phản ứng của Iran được coi là yếu tố rất quan trọng để xác định số phận của Syria mới và Trung Đông.
Tehran có thể quyết định bắt đầu tiến trình đàm phán mới với phương Tây về chương trình hạt nhân của họ, hoặc có thể tăng gấp đôi nỗ lực và tìm cách xây dựng lại mạng lưới quân đồng minh đã rệu rã của mình.
“Chúng ta đều biết Iran đã thua đau với sự sụp đổ của Tổng thống Assad. Chúng ta cũng biết Iran đủ kiên nhẫn. Hiện tại họ đang lùi một vài bước để tìm cách ứng phó”, ông Hamidi nhận định.
Vùng đông bắc và đông Syria do người Kurd kiểm soát là nơi đang có nguy cơ bùng phát bạo lực lớn nhất. Khoảng 900 binh lính Mỹ đang hiện diện ở đó để phối hợp với lực lượng người Kurd chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Thổ Nhĩ Kỳ, với mối quan hệ thù địch với người Kurd, phản đối sự hiện diện này. Sự trỗi dậy của lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tạo tiền đề cho một chu kỳ xung đột mới giữa người Ả-rập và người Kurd, khiến Ankara có thể bị kéo sâu hơn vào Syria và khiến lực lượng Mỹ bị mắc kẹt.
Nếu đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng ở trung tâm của họ ở cực bắc của đất nước, người Kurd có thể sẽ rút lui khỏi nhiều khu vực mà họ hiện đang kiểm soát, Barzan Iso - nhà báo người Kurd làm việc ở vùng đông bắc Syria, nhận định.
"Chúng tôi sợ Thổ Nhĩ Kỳ hơn HTS", Iso nói.
Nếu kịch bản đó xảy ra, quân đội Mỹ sẽ trở nên dễ tổn thương và gây đe dọa cho nhiệm vụ chống ISIS của Washington.
Trong khi đó, các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng quân sự và vũ khí của Syria có thể khiến nước này gây thù chuốc oán với lực lượng lên nắm quyền ở Damascus.
Michael Horowitz, trưởng bộ phận tình báo của hãng tư vấn an ninh Le Beck International ở Trung Đông, cho biết các nhóm này trước đây không coi Israel là mối đe dọa.
Israel cũng đã đưa quân vào vùng đệm phi quân sự bên trong Syria trong những ngày qua, làm dấy lên nghi ngờ về ý định của Israel ở Syria.
Israel khẳng định ý định của họ là phòng thủ, để đảm bảo rằng bất kỳ lực lượng nào nổi lên ở Damascus sẽ không bao giờ có thể gây đe dọa cho họ.
Các nhà phân tích cho rằng với những hành động này, Israel "đang biến Syria mới thành kẻ thù ngay từ ngày đầu tiên".
Các nước láng giềng Ả- rập của Syria cũng đang theo dõi diễn biến ở nước này với sự thận trọng.
Trong những năm đầu của cuộc nội chiến Syria, các quốc gia Ả-rập đã vội vã ủng hộ những phe phái khác nhau trong lực lượng đối lập, góp phần vào sự chia rẽ sâu sắc ở quốc gia này. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của họ là ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Iran, vì thế sau đó đã hòa giải với ông Assad vì hy vọng có thể thuyết phục ông cắt đứt quan hệ với Tehran.
"Các quốc gia Ả-rập nhẹ nhõm khi trục của Iran đã bị phá vỡ"
Fawaz Gerges - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London cho biết.
Theo nhà nghiên cứu này, các nước láng giềng của Syria cũng cảnh giác với trật tự mới ở Damascus, vì thế họ có thể tác động đến quỹ đạo ở Syria bằng cách tài trợ cho những nhóm khác nhau ở nước này.
"Syria từ lâu đã là chiến trường của chiến tranh ủy nhiệm và tôi không nghĩ điều này đã thay đổi", ông Gerges nói.
Tuy nhiên, cũng có lý do để hy vọng Syria sẽ tránh được kết cục tồi tệ nhất. “Người Syria chiến đấu với nhau suốt 13 năm qua, và họ đã kiệt sức. Và nếu họ hiểu được những rủi ro, họ có thể vượt qua chúng", ông nhận định.
Bình Giang
Theo Washington Post