Số phận thương vụ 15 tỷ USD giữa Nippon Steel và US Steel mong manh trong tay Tổng thống Biden

Số phận thương vụ 15 tỷ USD giữa Nippon Steel và US Steel mong manh trong tay Tổng thống Biden
12 giờ trướcBài gốc
Nhà máy của US Steel ở bang Pennsylvania - Ảnh: Getty.
Trước đây, việc hãng thép Nhật Bản Nippon Steel chào mua hãng thép Mỹ US Steel với giá 15 tỷ USD đã vấp phải sự phản đối của Tổng thống Joe Biden. Giờ đây, nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm có 15 ngày để quyết định số phận của thương vụ này - Nhà Trắng đã lên tiếng xác nhận.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) - cơ quan chịu có chức năng rà soát các vụ đầu tư nước ngoài vào Mỹ để sàng lọc rủi ro an ninh quốc gia - đã chuyển quyền quyết định về thương vụ trên sang ông Biden, sau khi cơ quan này không thể đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên.
“Chúng tôi đã nhận được đánh giá của CFIUS và Tổng thống sẽ xem xét”, người phát ngôn Saloni Sharma của Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba tuần này.
“CƠ HỘI CHỈ CÓ MỘT TRONG ĐỜI”
Như vậy, ông Biden - người từ lâu phản đối một thỏa thuận sáp nhập giữa Nippon Steel và US Steel - sẽ có thời gian 15 ngày để đưa ra “phán quyết” về số phận của thỏa thuận. Nếu trong khoảng thời gian đó, ông Biden phản đối, thỏa thuận sẽ đổ bể. Ngược lại, nếu ông không có động thái nào, thỏa thuận sẽ được “bật đèn xanh” - điều mà ở thời điểm hiện tại, nhiều người cho rằng sẽ khó xảy ra.
Theo hãng tin CNBC, việc ông Biden được trao quyền quyết định đối với thương vụ 15 tỷ USD mở đường cho sự đổ bể của thỏa thuận này trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Ông Trump, người sẽ trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, cũng phản đối thương vụ được công bố lần đầu vào tháng 12 năm ngoái này.
Hôm thứ Ba, Nippon Steel và US Steel cho biết họ đã được thông báo về việc CIFUS chuyển quyền quyết định về thương vụ của họ sang ông Biden. Trước đó, hai công ty nói có kế hoạch hoàn tất thỏa thuận trước cuối năm 2024.
“Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Biden nhìn vào những nỗ lực to lớn của chúng tôi trong việc giải quyết các mối lo ngại an ninh quốc gia đã được đề cập và những cam kết lớn mà chúng tôi đã đưa ra về phát triển US Steel”, một tuyên bố của Nippon Steel có đoạn viết.
Về phần mình, US Steel ra tuyên bố có đoạn: “Hy vọng Tổng thống Biden sẽ làm điều đúng đắn và tuân thủ luật pháp bằng cách phê chuẩn một thỏa thuận rõ ràng sẽ mang lại sự cải thiện cho an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ”.
Nếu thương vụ đổ vỡ, Nippon Steel phải nộp phạt 565 triệu USD cho U.S. Steel. Trước đó, công ty Nhật này cho biết họ có thể theo đuổi hành động pháp lý chống lại Chính phủ Mỹ nếu thỏa thuận thất bại.
Nippon Steel đã đặt mục tiêu nâng công suất sản lượng thép toàn cầu của hãng lên 85 triệu tấn mỗi năm sau khi về chung một nhà với US Steel, từ mức 65 triệu tấn hiện tại. Thỏa thuận này cũng là cốt lõi cho mục tiêu của Nippon Steel nâng sản lượng lên hơn 100 triệu tấn trong dài hạn.
Nhà phân tích Ryunosuke Shibata của công ty SBI Securities cho biết Mỹ hiện là quốc gia phát triển duy nhất có nhu cầu thép tăng trưởng, với giá thép ở Mỹ hiện cao nhất thế giới do năng lực sản xuất không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Điều đó khiến US Steel trở thành “cơ hội chỉ có một trong đời đối với Nippon Steel” - ông Shibata nói thêm.
SỰ PHẢN ĐỐI TỪ CẤP CAO
Hôm thứ Hai, CFIUS nói rằng việc cho phép Nippon Steel tiếp quản US Steel có thể dẫn đến sản lượng thép trong nước của Mỹ thấp hơn, dẫn tới “rủi ro an ninh quốc gia”. Theo tờ báo Washington Post, Nippon Steel cho biết họ có thể loại bỏ rủi ro đó bằng cách bổ nhiệm người Mỹ vào các vị trí quản lý cấp cao và Hội đồng Quản trị tại US Steel, nhưng nội bộ CFIUS đã không thống nhất được về việc liệu những biện pháp khắc phục đó có đủ hay không.
Vụ sáp nhập giữa hai hãng thép khổng lồ đã vấp phải sự phản đối từ cấp cao ở Mỹ ngay khi được công bố. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024, cả ông Biden và ông Trump đều nhắm vào thương vụ này như một cách để cách thu hút lá phiếu của các cử tri thuộc nghiệp đoàn ở bang dao động Pennsylvania - nơi US Steel đặt trụ sở chính. Chủ tịch nghiệp đoàn công nhân thép United Steelworkers Union phản đối mạnh kế hoạch sáp nhập này.
“Câu hỏi đặt ra bây giờ là ông Biden sẽ quyết định như thế nào? Tôi nghĩ điều này vẫn rất khó đoán”, ông Nick Wall, chuyên gia về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại công ty Allen & Overy, nhận định.
Hồi tháng 8, một lá thư của CFIUS gửi cho hai công ty nói rằng thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thép đối với các dự án giao thông, xây dựng và nông nghiệp quan trọng của Mỹ. Nhưng Nippon Steel đã giành được chiến thắng trong cuộc rà soát kéo dài 90 ngày bằng cách phản biện rằng các khoản đầu tư đến từ một quốc gia đồng minh gần gũi của Mỹ trên thực tế sẽ hỗ trợ tăng sản lượng thép của US Steel.
Thắng lợi đó của Nippon Steel cho CFIUS có thời gian tới sau bầu cử tổng thống Mỹ để đưa ra quyết định, từ đó làm dấy lên hy vọng từ những người ủng hộ thỏa thuận về một môi trường chính trị ôn hòa hơn để thỏa thuận có thể được phê chuẩn.
Nhưng vào tuần trước, những tia hy vọng này vụt tắt khi CFIUS gửi một lá thư dài 29 trang tới Nippon Steel và US Steel đề cập đến những rủi ro an ninh quốc gia mà nhà chức trách cho là chưa được giải quyết - hãng tin Reuters cho biết. Cũng theo Reuters, hai hãng thép đã có một bức thư phản hồi sau đó, nói rằng ông Biden đang “gây ảnh hưởng trái phép” đối với quá trình rà soát an ninh quốc gia của thỏa thuận, đồng thời hai công ty cảnh báo sẽ có hành động pháp lý nếu thỏa thuận bị chặn.
Bình Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/so-phan-thuong-vu-15-ty-usd-giua-nippon-steel-va-us-steel-mong-manh-trong-tay-tong-thong-biden.htm