Đồ thị mức lương bình quân năm tại 34 nước thành viên OECD.
OECD tính toán mức lương bình quân của một quốc gia thành viên bằng cách chia tổng chi phí lương năm chia cho số lượng lao động toàn thời gian bình quân của quốc gia đó. Số liệu này được quy đổi sang USD và điều chỉnh theo sức mua tương đương (PPP) để loại bỏ sự chênh lệch về chi phí sinh hoạt giữa các quốc gia.
Theo đó, các nền kinh tế châu Âu có mức lương cao nhất trong OECD, dẫn đầu là Luxembourg với mức lương bình quân gần 90.000 USD/năm. Theo sau là Iceland và Thụy Sỹ với lần lượt 87.000 USD và 83.000 USD. Mỹ (80.000 USD) và Australia (67.000) là hai quốc gia ngoài châu Âu lọt vào top 10.
Ở cuối bảng, người lao động Mexico chỉ có mức lương bình quân năm hơn 20.000 USD, chỉ bằng 1/4 so với người lao động tại Luxembourg.
Dù nền kinh tế phát triển duy trì vị trí đầu bảng trong nhiều năm, nhưng các quốc gia ở Đông Âu mới là nơi ghi nhận tốc độ tăng lương thực tế nhanh nhất trong 3 thập kỷ qua. Lithuania, Latvia và Estonia - đều thuộc Liên Xô cũ - ghi nhận mức tăng lương hơn 200% kể từ năm 1995. Trong khi đó, Hà Lan, Italy và Nhật có tốc độ tăng lương chậm nhất, riêng Nhật thậm chí còn giảm 4%./.
Đức Anh