Máy bay chiến đấu Rafale. Ảnh: Dassault Aviation
Theo tờ Thời báo Nhật Bản (japantimes.co.jp) ngày 10/5, cuộc không chiến giữa máy bay Pakistan do Trung Quốc sản xuất và máy bay chiến đấu Rafale của Ấn Độ do Pháp sản xuất đang được các cường quốc quân sự theo dõi sát sao nhằm thu thập thông tin quý giá cho các cuộc xung đột tương lai.
Dựa trên thông tin từ hai quan chức Mỹ, một máy bay chiến đấu Pakistan do Trung Quốc sản xuất đã bắn hạ ít nhất hai máy bay quân sự của Ấn Độ vào giữa tuần này. Sự kiện đó được đánh giá là một cột mốc tiềm năng cho máy bay chiến đấu tiên tiến của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Cuộc đụng độ trên không này được xem là cơ hội hiếm có để các quân đội nghiên cứu hiệu suất của phi công, máy bay chiến đấu và tên lửa không đối không trong chiến đấu thực tế. Các chuyên gia cho biết việc sử dụng trực tiếp các loại vũ khí tiên tiến sẽ được phân tích kỹ lưỡng trên toàn thế giới.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ có khả năng cao Pakistan đã sử dụng máy bay J-10 do Trung Quốc sản xuất để phóng tên lửa không đối không vào máy bay chiến đấu của Ấn Độ.
Cuộc đối đầu giữa tên lửa PL-15 và Meteor
Thời báo Nhật Bản lưu ý, trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bài đăng đang tập trung so sánh hiệu suất của tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc với Meteor - tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar do tập đoàn MBDA của châu Âu sản xuất. Tuy nhiên, chưa có xác nhận chính thức về việc sử dụng những vũ khí này trong cuộc không chiến.
Douglas Barrie, nghiên cứu viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định: "Cộng đồng tác chiến trên không ở Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu sẽ rất quan tâm đến việc thu thập càng nhiều thông tin thực tế càng tốt về chiến thuật, kỹ thuật, quy trình, hệ thống nào đã được sử dụng, hệ thống nào hiệu quả và hệ thống nào không hiệu quả".
Ông Barrie còn nhấn mạnh: "Có thể nói Trung Quốc có vũ khí mạnh nhất để chống lại vũ khí mạnh nhất của phương Tây". Theo ông, Pháp và Mỹ cũng có thể nhận được thông tin tình báo tương tự từ Ấn Độ.
"PL-15 là một vấn đề lớn. Đây là thứ mà quân đội Mỹ rất chú ý", một giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng tiết lộ.
Các nhà phân tích phương Tây và các nguồn tin trong ngành cho biết nhiều chi tiết quan trọng vẫn chưa được làm rõ, bao gồm việc liệu tên lửa Meteor có được mang theo trên máy bay hay không, cũng như loại hình và mức độ đào tạo mà các phi công đã nhận được. Các công ty vũ khí cũng sẽ muốn tách biệt hiệu suất kỹ thuật khỏi các yếu tố hoạt động.
Byron Callan, chuyên gia quốc phòng có trụ sở tại Mỹ và là đối tác quản lý của Capital Alpha Partners chia sẻ: "Sẽ có những cuộc nghiên cứu về những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả, nhưng tôi nghĩ lớp phủ khác chính là màn sương mù chiến tranh". Ông cho biết các công ty vũ khí của Mỹ đang liên tục nhận được phản hồi về cách các sản phẩm của họ hoạt động trong cuộc chiến ở Ukraine.
"Vì vậy, tôi hoàn toàn dự báo điều tương tự sẽ xảy ra với các nhà cung cấp châu Âu của Ấn Độ, trong khi Pakistan và Trung Quốc có lẽ cũng muốn có phản hồi. Nếu PL-15 hoạt động như quảng cáo hoặc tốt hơn mong đợi, Trung Quốc sẽ muốn nghe điều đó", chuyên gia Callan nhận định.
Tranh cãi về tên lửa sử dụng trong trận chiến
Hiện có nhiều thông tin trái ngược nhau về việc liệu Pakistan sở hữu phiên bản PL-15 nội địa từ PLAAF (Lực lượng không quân Trung Quốc) hay phiên bản xuất khẩu tầm ngắn hơn được công bố năm 2021.
Douglas Barrie, chuyên gia đã viết nhiều về tên lửa này, cho biết ông tin rằng Pakistan rất có thể sở hữu phiên bản xuất khẩu của PL-15.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp phương Tây đã bác bỏ tuyên bố rằng tên lửa đẩy PL-15 có tầm bắn xa hơn so với tên lửa đẩy Meteor, nhưng thừa nhận rằng khả năng của tên lửa này có thể lớn hơn những gì người ta nghĩ. Tầm bắn chính xác của Meteor vẫn chưa được công bố chính thức. "Hiện tại, không thể đánh giá bất cứ điều gì. Chúng tôi biết rất ít", nguồn tin này cho biết.
Tầm bắn và hiệu suất của PL-15 đã là trọng tâm quan tâm của phương Tây trong nhiều năm. Sự xuất hiện của PL-15 được coi là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã không còn phụ thuộc vào công nghệ phái sinh thời Liên Xô.
Hiện Mỹ đang phát triển Tên lửa chiến thuật tiên tiến chung AIM-260 thông qua Lockheed Martin, một phần là để đối phó với PL-15. Đây là một phần trong kế hoạch thiết lập lại các ưu tiên rộng hơn của phương Tây đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Các quốc gia châu Âu cũng đang xem xét nâng cấp vòng đời cho Meteor, mà theo tạp chí chuyên ngành quân sự Janes có thể bao gồm hệ thống đẩy và dẫn hướng, nhưng các nhà phân tích cho biết tiến độ vẫn còn chậm.
Vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao cho Boeing hợp đồng chế tạo máy bay chiến đấu tinh vi nhất của Không quân Mỹ, có năng lực bao gồm tàng hình, cảm biến tiên tiến và động cơ hiện đại.
Như vậy, cuộc không chiến Ấn Độ - Pakistan đang trở thành một trường hợp nghiên cứu quan trọng cho các cường quốc quân sự thế giới và kết quả phân tích chi tiết có thể định hình lại chiến lược phát triển vũ khí trong tương lai.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc