Trong khi các nhà máy ở Trung Quốc tăng mạnh sản lượng, lĩnh vực sản xuất của Mỹ vẫn đang ì ạch lấy lại phong độ. Kể cả với hoạt động sản xuất dầu mỏ bùng nổ, ngành công nghiệp của Mỹ vẫn chưa phục hồi các mức trước đại dịch Covid-19.
Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn 2019-2024, dựa trên dữ liệu từ Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hoạt động công nghiệp gồm ba lĩnh vực chính: sản xuất, khai khoáng và tiện ích, trải rộng từ sản xuất hàng hóa cho tới khai thác tài nguyên khoáng sản.
Từ năm 2019, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc luôn cao hơn của Mỹ, trừ 3 tháng của năm 2020.
Trong 5 năm qua, hoạt động công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng 37% nhờ lĩnh vực xe điện cũng như nhu cầu gia tăng đối với các loại khoáng sản quan trọng. Đây là động lực đóng góp nhiều nhất vào kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm 2024, sản lượng công nghiệp của nước này đạt 5,6 nghìn tỷ USD.
Với hoạt động sản xuất xe điện tăng vọt, Trung Quốc hiện nắm 62% thị trường xe điện toàn cầu, trong đó thị phần tại Brazil là 82%, tại Mexico là 70%. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chiếm 80% thị trường pin lithium-ion toàn cầu nhờ sự hỗ trợ chính sách quyết liệt của chính phủ.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng, Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thậm chí trước các đợt thuế quan gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nước này đã mở rộng quan hệ thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latin. Hiện tại, thị trường Mỹ chỉ chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, từ mức gần 20% của năm 2017.
Trang Linh