Nhiều báo cáo chỉ ra, xung đột lan rộng ở Trung Đông sẽ khiến cho nguy cơ khủng bố ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến thách thức an ninh trên thế giới ngày càng lớn.
Chiếc xe của nghi phạm khủng bố thực hiện vụ tấn công vào đám đông tại New Orleans (Mỹ) ngày 1-1-2025.
Trong cuộc họp mới đây của Hội đồng châu Âu, các nhà lãnh đạo một lần nữa nhấn mạnh tới mối đe dọa mang tính toàn cầu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Dù địa bàn hoạt động của nhóm này chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi song thời gian gần đây, các thành viên IS liên tục thực hiện những cuộc tấn công đơn lẻ tại châu Âu.
Đáng chú ý, có nhiều dấu hiệu cho thấy, IS đang chuyển dần căn cứ về Afghanistan - quốc gia đang nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Chi nhánh mạnh nhất của IS ở nước này là IS Khorasan (IS-K) đã gia tăng sức mạnh kể từ khi Mỹ rút khỏi đây vào năm 2021. IS-K có tham vọng toàn cầu và hiện diện trực tuyến tinh vi bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Anh, đồng thời chi nhánh này lợi dụng các nhóm dân cư cực đoan hóa ở Trung Á.
Trong khi đó, tại Syria, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một tổ chức lai giữa Al Qaeda và IS đã lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad để lên nắm quyền. Đã có nhiều cảnh báo rằng, IS có kế hoạch giải thoát trên 8.000 tay súng đang bị giam giữ tại các cơ sở ở Syria.
Một mối nguy khác là các lực lượng người Kurd được Mỹ ủng hộ đang phải chống lại các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria, nên họ có thể không còn bảo vệ được các khu vực giam giữ hàng ngàn tay súng IS. Nếu các tay súng có thể thoát ra và bắt đầu thực hiện các vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ hay Tây Âu thì hình ảnh của nhóm này trong mắt những “sói đơn độc” có cùng chí hướng càng được củng cố.
Chính vì thế, dư luận quốc tế lo ngại, Afghanistan và Syria sẽ trở thành nơi ẩn náu cho các nhóm khủng bố và cực đoan khiến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng các quốc gia đồng minh phải đối mặt với không ít thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo Hội đồng châu Âu, cuộc khủng hoảng diễn ra ở Trung Đông đang thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới cùng nhiều hậu quả liên quan. Thực tế cho thấy, từ khi Israel bắt đầu tấn công Dải Gaza vào tháng 10-2023, số lượng các vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc” nhân danh IS đã tăng đáng kể. Trong đó có vụ đâm hàng loạt tại một lễ hội ở Solingen, Đức; một âm mưu nhằm vào các buổi biểu diễn của ca sĩ Taylor Swift ở Vienna (Áo); vụ đâm một người đàn ông Do Thái Chính thống ở Zurich (Thụy Sĩ)... Điều đáng lo ngại là tình hình an ninh đang xấu đi ở khu vực Sahel, cận sa mạc Sahara với các tác động lan tỏa đến quốc gia ven biển Tây Phi và có khả năng là Bắc Phi.
Trong một báo cáo của các cơ quan an ninh Mỹ, những năm gần đây, IS có dấu hiệu trỗi dậy, dù hiện tại chỉ là một mạng lưới liên kết lỏng lẻo thay vì kiểm soát các thành phố lớn. Vụ tấn công đáng chú ý nhất do IS thừa nhận thực hiện trong năm 2024 là cuộc tấn công kinh hoàng một trung tâm mua sắm ở Mátxcơva vào tháng 3, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng và trên 500 người bị thương. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng, bất ổn sau khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ có thể tạo điều kiện cho IS mở rộng quy mô và ảnh hưởng từ các căn cứ xa xôi trong sa mạc.
Ngoài ra, nhiều cơ quan an ninh phương Tây lo ngại, số vụ tấn công cá nhân đơn lẻ được IS truyền cảm hứng như đâm dao, xả súng, lái xe lao vào đám đông sẽ gia tăng và rất khó để phòng ngừa. Đó là lý do tại sao trong cuộc họp, các bộ trưởng ngoại giao EU khẳng định cam kết không lay chuyển của khối này trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Syria.
Những sự kiện gần đây là minh chứng cho thấy, mối đe dọa khủng bố đang quay trở lại là một trong những thách thức an ninh lớn nhất đối với các quốc gia trên thế giới. Nhiều nhà bình luận cho rằng, hợp tác quốc tế là điều cần thiết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan nhưng tiến trình đối thoại về vấn đề này đang bị gián đoạn vì các căng thẳng ngày càng leo thang trên toàn cầu.
Quỳnh Dương