Sáng 16/12, Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 đã được Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện các Bộ, ngành như: Văn Phòng Chính phủ; Văn Phòng Quốc hội; Bộ Y tế; Bộ Công an... và lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 23/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 (sau đây gọi là Chương trình hành động).
Đây là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội.
Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 được tổ chức sáng 16/12.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư Pháp) cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, đảm bảo quyền đăng ký hộ tịch của người dân.
Theo đó, tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay – đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động đề ra (đến năm 2020 có 97%, năm 2024 có 98.5% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).
Tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn cuối chu kỳ cao (72,25%) phản ánh nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, cũng thể hiện những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.
Ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư Pháp).
Từ 2017 đến 2023 có 19.800 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước, trung bình 2.800 trường hợp/năm, góp phần bảo đảm cho trẻ em được nuôi dưỡng,chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình thay thế ngay tại Việt Nam. Việc thu thập số liệu về tình hình nuôi con nuôi thực tế ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ con nuôi thực tế được đăng ký không cao, chưa phản ánh được đúng thực tiễn và chưa đáp ứng mục tiêu Chương trình hành động đề ra.
Về đăng ký kết hôn, ghi vào sổ việc ly hôn Từ 2017-2020: cả nước có 2.778.532 cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là 2.479.308 cặp (89,23%). Giai đoạn 2021-2023, số liệu tương ứng là 1.890.488/1.618.020 (85,58%). Tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng.
Đáng chú ý, số vụ ly hôn, hủy kết hôn trái pháp luật ở trong nước được ghi vào sổ hộ tịch tăng dần từ 2017-2023; cả nước có 187.690 vụ ly hôn được Tòa án giải quyết.
Số vụ ly hôn, kết hôn trái pháp luật tại Việt Nam giai đoạn 2017-2023 tăng. Ảnh minh họa
Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được hiện đại hóa thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (gồm trên 10.000 Ủy ban Nhân dân cấp xã, hơn 700 Ủy ban Nhân dân cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác. Trên cơ sở đó, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt trên 98%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Chương trình hành động còn gặp một số khó khăn, thách thức như: chưa có các chính sách, quy định phù hợp dành riêng cho việc đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch đối với nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương; nguồn lực triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch còn hạn chế; năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; khả năng ứng phó trong công tác đăng ký hộ tịch thông qua phương thức trực tuyến còn hạn chế…
Đại diện Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát niểu tại hội nghị.
Để tháo gỡ những khó khăn, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch trong giai đoạn 2026-2030, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức đăng ký hộ tịch, đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến toàn trình.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch thông qua theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát văn bản từ Trung ương đến địa phương
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch; đổi mới nội dung, phương thức tập huấn, hướng dẫn cho công chức làm công tác hộ tịch ở cơ sở.
Củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan; bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu trên môi trường điện tử giữa cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch với các cơ quan khác có liên quan. Bảo đảm kịp thời các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch; đẩy mạnh công tác truyền thông.
Tiếp tục thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Áp dụng đồng bộ các giải pháp chia sẻ thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của tất cả các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ công chức và người dân về vai trò, ý nghĩa, quyền, nghĩa vụ và trách nhiện đăng ký hộ tịch.
Trung Sơn