Sở Xây dựng TP.HCM lý giải ngập là do mưa lớn

Sở Xây dựng TP.HCM lý giải ngập là do mưa lớn
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 10/10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) đã có những chia sẻ về trận mưa lớn khiến nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM ngập sâu trong chiều 8/10.
Ông Đỗ Tấn Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Theo ông Long, trận mưa chiều 8/10 bắt đầu từ 13h55, kết thúc lúc 18h55; cao điểm mưa từ 14h30 đến 15h30. Lượng mưa lớn nhất đo được là 116mm, đỉnh triều cao nhất là 1,36m (đo tại Bình Thạnh).
Với lưu lượng mưa rất lớn, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Tân Bình, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh... bị ngập ngay lập tức. Hầu hết các điểm ngập kéo dài trong khoảng 30 phút sau mưa.
Nguyên nhân được phía cơ quan chức năng đưa ra là lượng mưa lớn vượt tần suất thiết kế của các cống thoát nước. Cụ thể, do hệ thống cống lớn tại TP.HCM được xây dựng từ trước năm 2015 với khả năng chịu đựng 85mm nước trong 3 giờ, các hệ thống cống nhỏ có khả năng chịu đựng còn thấp hơn.
"Trong khi đó, cơn mưa ngày 8/10 diễn ra trong khoảng 1 giờ, lượng mưa lên đến 116mm nên đã vượt tần suất thiết kế. Chính vì vậy, việc ngập là không tránh khỏi", ông Long nói.
Nhiều tuyến đường ngập nặng sau cơn mưa chiều 8/10. Ảnh: Nguyên Hằng.
Ngoài ra, nhiều vị trí bị ngập chiều 8/10 là do mặt đường trũng thấp so với các địa hình lân cận. Một số nơi có nhà xây ven kênh, rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp.
Về giải pháp thời gian tới, ông Đỗ Tấn Long cho biết, TP.HCM đang tập trung hoàn thành loạt dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước ở các đường Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân và một số dự án trọng điểm khác.
Đồng thời TP.HCM đang tháo gỡ vướng mắc để đưa vào khai thác dự án cống ngăn triều cường 10.000 tỷ đồng, giải quyết căn cơ việc ngập do triều cường tại 6 tuyến trục chính.
Đặc biệt, nếu người đi đường, người dân các khu vực thấy tình trạng ngập nước do mưa hoặc triều cường... có thể gọi lên tổng đài 1022 để phản ánh. Tổng đài sẽ phân bổ xuống các đơn vị vị liên quan.
"Người dân có thể phản ánh bất cứ nội dung gì đều vì đây là tổng đài chung của TP.HCM, không riêng gì nội dung ngập. Khi có tin báo, tổng đài sẽ chuyển xuống đơn vị phụ trách. Đây là quy định của UBND TP.HCM", ông Long nói.
Trung tâm TP.HCM chìm trong biển nước. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM công bố 13 tuyến đường chính bị ngập do mưa. Bao gồm: Đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1 (đoạn qua TP Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.
Sáu tuyến đường ngập do triều cường gồm đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).
Theo ông Long, danh sách các tuyến đường chính này là thống kê những tuyến đường trục chính và được hiểu là đường có cống thoát nước trực tiếp ra sông, kênh rạch. Danh sách còn phụ thuộc vào việc phân cấp quản lý (quy định số 22 của UBND TP.HCM).
Hiện nay, hệ thống thoát nước ở TP.HCM (TP Thủ Đức riêng) do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật quản lý vận hành.
Trong cơn mưa 8/10 vừa qua, TP.HCM xuất hiện thêm một số tuyến đường khác bị ngập như đường Nguyễn Gia Trí, D5 (quận Bình Thạnh). Nguyên nhân chính được xác định do mưa lớn, hệ thống cống nước quá tải.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/so-xay-dung-tphcm-ly-giai-ngap-la-do-mua-lon-19224101017393942.htm