Trước thông tin về đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả dành cho người bệnh, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, báo cáo kịp thời.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, kiểm tra việc mua bán các loại sữa, sản phẩm dinh dưỡng có liên quan đến vụ việc sữa giả đang được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Ảnh: ITN
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn khẩn trương rà soát, kiểm tra việc mua bán các loại sữa, sản phẩm dinh dưỡng có liên quan đến vụ việc sữa giả đang được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.
Theo Sở Y tế, các loại sữa bị làm giả được cho là dành cho người mắc bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai... Trong đó, một số sản phẩm nghi đã được phân phối tới các cơ sở khám chữa bệnh.
Sở Y tế đề nghị các đơn vị nhanh chóng báo cáo tình hình sử dụng, mua bán các sản phẩm nêu trên (nếu có), gửi về Phòng Nghiệp vụ dược – Sở Y tế. Trường hợp phát hiện có liên quan đến các sản phẩm nghi giả, đơn vị phải lập tức thông báo trực tiếp qua điện thoại cho Phòng Nghiệp vụ dược.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm sữa và dinh dưỡng đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đây là chỉ đạo khẩn nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, Công dân và Khuyến học đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả, trong đó, yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm cũng lên tiếng yêu cầu rà soát toàn diện các hoạt động công bố sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm và các hồ sơ thanh tra, kiểm tra liên quan đến các công ty trong danh sách nghi vấn. Nếu các doanh nghiệp trong đường dây sữa giả từng công bố sản phẩm tại địa phương, phải cung cấp thông tin về số lượng, tên từng sản phẩm, đồng thời rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Các đơn vị cần báo cáo lại các hoạt động thanh tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay. Mục tiêu của động thái này là truy rõ trách nhiệm quản lý, xác minh các "lỗ hổng" trong giám sát hậu kiểm và ngăn chặn nguy cơ hàng giả tiếp tục "lọt lưới" thị trường.
Minh Vũ