Sở Y tế TP.HCM phân tích chiêu trò tinh vi trong sản xuất thuốc giả, thực phẩm giả

Sở Y tế TP.HCM phân tích chiêu trò tinh vi trong sản xuất thuốc giả, thực phẩm giả
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 22-7, Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội đã có buổi khảo sát tại TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả. Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cùng đại diện các sở, ngành tham dự.
Báo cáo tại buổi khảo sát, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP hiện có 164 bệnh viện công lập cùng hàng chục ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm. TP.HCM cũng là đầu mối phân phối thuốc lớn cho cả nước.
Trong lĩnh vực thực phẩm, TP quản lý hơn 13.700 cơ sở kinh doanh, 2.800 cơ sở sản xuất - chế biến, hàng ngàn bếp ăn, siêu thị, chợ đầu mối và cửa hàng tiện lợi.
BS Nam nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm giả hiện nay đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đây là hành vi phi pháp nhưng mang lại lợi nhuận cao, nên các đối tượng ngày càng manh động và khó kiểm soát.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ về thực trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả tại buổi khảo sát. Ảnh: H.Y
Cụ thể, BS Nam phân tích, quá trình sản xuất thuốc giả thường được tổ chức tại nhiều địa điểm cùng lúc, nhằm gây khó khăn cho việc phát hiện. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, ứng dụng giao hàng tận nơi để mua bán, che giấu địa điểm giao dịch.
Khu vực sản xuất thường nằm ở nhà không số, nơi vắng người qua lại hoặc được ngụy trang dưới vỏ bọc công ty hợp pháp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
Liên quan đến sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, BS Nam cho biết các đối tượng thường nhắm đến các mặt hàng có giá trị cao. Thay vì sản xuất hàng loạt, họ chọn cách xé lẻ, sản xuất nhỏ giọt theo đơn hàng, tiêu thụ đến đâu làm đến đó. Đặc biệt, người đặt hàng không được tiếp cận nơi sản xuất, nhằm hạn chế nguy cơ bị lộ và qua mặt cơ quan chức năng.
Theo bác sĩ Nam, trước đây hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh sản phẩm thật; tập trung vào những loại mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, các thương hiệu lớn trên thị trường.
Hiện nay, một số cơ sở sản xuất hàng giả còn tinh vi hơn khi tự thiết kế mẫu sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in giả số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm. Các đối tượng cũng sử dụng mã vạch, mã QR và tem chứng nhận giả nhằm đánh lừa các điểm bán lẻ và người tiêu dùng.
Tình hình sản xuất và kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Ảnh minh họa: H.Y
Trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Cụ thể, Công an TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ việc quy mô lớn. Điển hình như một vụ thu giữ hơn 1.160 thùng thuốc giả trị giá hàng tỉ đồng cùng dây chuyền sản xuất hiện đại và nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Một vụ khác do Công an TP.HCM phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương triệt phá cho thấy cơ sở sản xuất sữa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Abbott Ensure, Glucerna với tổng giá trị lên đến 14,5 tỉ đồng. Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm, chỉ bán hàng qua mạng để tránh bị phát hiện.
Từ năm 2024 đến giữa năm 2025, Sở Y tế và Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã kiểm tra hàng chục ngàn cơ sở, xử phạt hàng trăm trường hợp sản xuất kinh doanh thuốc giả, thực phẩm giả với tổng số tiền phạt lên đến hàng tỉ đồng, áp dụng các biện pháp như đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm và tiêu hủy hàng giả.
Riêng trong tháng cao điểm từ 15-5 đến 15-6, TP.HCM xử lý 3.341 vụ, khởi tố 2 vụ với 6 bị can.
Để tăng cường hiệu quả quản lý, TP.HCM đã triển khai cổng tra cứu hành nghề y dược (https://tracuu.medinet.org.vn) và công khai danh sách cơ sở vi phạm trên các cổng thông tin điện tử. Hệ thống quản lý thuốc quốc gia được áp dụng để theo dõi vòng đời thuốc.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nam, cuộc chiến chống thuốc giả, thực phẩm giả vẫn còn nhiều thách thức. Lực lượng kiểm tra còn mỏng, trong khi số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh quá lớn. Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt là lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán, gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.
Từ thực tiễn đó, TP.HCM kiến nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hình sự, tăng khung hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đồng thời, thành phố đề xuất Chính phủ nâng mức xử phạt hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông để quản lý hoạt động thương mại điện tử.
TP cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy mạnh số hóa dữ liệu kiểm nghiệm, bổ sung thiết bị kiểm tra nhanh và hoàn thiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm. Bộ Tài chính được kiến nghị sớm hướng dẫn việc xây dựng kho lưu trữ tang vật phục vụ điều tra và xét xử.
THẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/so-y-te-tphcm-phan-tich-chieu-tro-tinh-vi-trong-san-xuat-thuoc-gia-thuc-pham-gia-post861673.html