Sóc Sơn phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025

Sóc Sơn phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025
3 ngày trướcBài gốc
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã Minh Tân. Ảnh: Minh Phú
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, 3 xã của huyện Sóc Sơn đều huy động được nguồn lực lớn. Từ năm 2021 đến nay, xã Tân Minh huy động được hơn 312 tỷ đồng; xã Đông Xuân hơn 140 tỷ đồng và xã Hồng Kỳ, từ năm 2018 đến nay, huy động được hơn 877 tỷ đồng.
Minh Tân nằm giáp trung tâm huyện, có một phần diện tích nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Xã có hơn 4.600 hộ dân, trong những năm qua, người dân đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ thương mại; tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp ngày một giảm. Đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 75,2 triệu đồng. Từ đầu năm 2024, xã không còn hộ nghèo.
Một tuyến đường bích họa tại xã Minh Tân. Ảnh: Minh Phú
Xã Hồng Kỳ thuộc vùng trung du, địa hình được chia làm 3 vùng rõ rệt: Vùng đồng bằng, vùng thung lũng bậc thang và vùng núi cao. Xã không có làng nghề và khu công nghiệp lớn, kinh tế của người dân chủ yếu là nông nghiệp. Trên địa bàn xã có Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, tác động không nhỏ đến môi trường… Tuy nhiên, với sự cố gắng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân, Hồng Kỳ đã khắc phục những khó khăn, hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Trạm Y tế xã Hồng Kỳ được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Minh Phú
Trong nông nghiệp, diện tích cấy lúa chất lượng cao của xã chiếm hơn 90%, khoảng 700ha/2 vụ. Cuối năm 2023, vùng trồng nếp cái hoa vàng Hồng Kỳ được chứng nhận VietGAP, được cấp mã số vùng trồng, đem lại thu nhập tăng hơn khoảng 100 triệu đồng/ha so với lúa tẻ… Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 73 triệu đồng.
Tham quan các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của xã Đông Xuân. Ảnh: Minh Phú
Đông Xuân cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hoa nhài, dưa lê, các loại rau sạch. Đến nay, xã có 4 sản phẩm OCOP được phân hạng. Đại diện nhân dân, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Đồng Dành cho biết, thôn có 253 hộ gia đình, là thôn nông nghiệp thuần túy. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhận thấy đường giao thông trong làng còn rất hẹp, thôn đã vận động được 20 hộ hiến đất để mở rộng tuyến đường vành đai của thôn. Tới đây, thôn tiếp tục vận động các hộ hiến đất ở những đoạn đường nhỏ hẹp trong ngõ xóm để giao thông thuận lợi hơn.
Như vậy, trong 2 ngày 28 và 29-12, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định 7 xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Sóc Sơn, là: Tân Dân, Thanh Xuân, Minh Phú, Hiền Ninh, Tân Minh, Hồng Kỳ và Đông Xuân. Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định Ngọ Văn Ngôn lưu ý, dù đã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024, nhưng các xã vẫn cần quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian sớm nhất để làng quê giàu đẹp hơn nữa.
Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội thẩm định các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Tân Minh. Ảnh: Minh Phú
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện Sóc Sơn đã có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Theo kế hoạch, năm 2025 Sóc Sơn tiếp tục phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 18 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố và Chính phủ công nhận huyện Sóc Sơn đạt huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Nguyễn Mai
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/soc-son-phan-dau-hoan-thanh-huyen-nong-thon-moi-nang-cao-vao-nam-2025-688947.html