Trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Sóc Trăng ước đạt 380 triệu USD, đạt 20% chỉ tiêu Nghị quyết, giảm 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 224 triệu USD (tăng 6,3%), xuất khẩu gạo đạt 134 triệu USD (giảm 9,56%) do hiện nay nguồn cung trên thị trường thế giới tăng, tạo áp lực cạnh tranh đối với các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam; đồng thời các thị trường nhập khẩu gạo lớn đang giảm lại do lượng tồn kho tích trữ của họ còn nhiều; hàng may mặc đạt 12 triệu USD (giảm 13,8%). Qua đó, có thể thấy thủy sản và gạo là động lực chính thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, với mức tăng trưởng ấn tượng của thủy sản. Tuy nhiên, sự thiếu vắng kim ngạch từ rau quả cho thấy cần có thêm các biện pháp hỗ trợ để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Trên cơ sở đó, ngành Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu như: tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, khuyến khích sản xuất bền vững.
Doanh nghiệp nêu khó khăn trong sản xuất và đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: HOÀNG LAN
Trao đổi tại buổi làm việc, các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh như: nguồn lao động; hạ tầng khu công nghiệp, điện, nước… chưa đảm bảo và chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng việc sáp nhập các xã, phường, sáp nhập tỉnh, thành phố cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, để doanh nghiệp phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng thì cần thời gian nhất định. Cùng với đó các cấp chính quyền cần quan tâm giải quyết bài toán vốn tín dụng cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa), bảo hộ sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính… Đặc biệt, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh cần tập trung vào các ngành nghề có nền tảng, tiềm năng của địa phương; có chính sách và giải pháp ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại… Nếu làm tốt các nội dung này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (đứng giữa) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG LAN
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Lâu cho rằng, việc sáp nhập tỉnh, thành phố sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho tỉnh cũng như cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ và chủ động chuyển đổi sản xuất bền vững (sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn) đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chất lượng, nâng cao giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ…
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới nhiều dự án giao thông sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác, bên cạnh đó nhiều dự án giao thông cũng được triển khai trong tương lai nên hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ đồng bộ. Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị các sở, ban ngành tỉnh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lao động, thị trường… để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. “Doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển. Vì vậy, tỉnh sẽ quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững” - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
HOÀNG LAN