Sóc Trăng: Kết quả nâng cao chất lượng nguồn lao động sau 2 năm tổ chức hội thảo

Sóc Trăng: Kết quả nâng cao chất lượng nguồn lao động sau 2 năm tổ chức hội thảo
8 giờ trướcBài gốc
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp, các viện, trường đại học, như: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Cửu Long, Viện Nghiên cứu Đào tạo kinh tế Quốc tế, Viện Phát triển logistics toàn cầu và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã gửi 33 bài tham luận và tham vấn, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động cho tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đại biểu dự Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Sau hội thảo, tỉnh Sóc Trăng đã xác định 6 bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giải quyết việc làm, gồm:
Một là, sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự tuyên truyền, tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giúp cơ sở GDNN phát triển, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài.
Hai là, đào tạo nghề chất lượng cao là khâu đột phá, giúp nâng cao năng suất lao động và ổn định cuộc sống từ sớm. Việc phân luồng học sinh trung học cơ sở và liên thông các cấp đào tạo giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tạo nguồn lao động trẻ có tay nghề, giảm tình trạng thất nghiệp sau tốt nghiệp.
Ba là, các chính sách phát triển GDNN và hỗ trợ lao động học nghề, nhất là chương trình vừa làm, vừa học ở nước ngoài, đã mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều lao động trẻ có việc làm, thu nhập tốt, cải thiện đời sống.
Bốn là, đầu tư phát triển trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển đào tạo các ngành, nghề trọng điểm và các ngành nghề đào tạo đạt trình độ quốc tế đã trở thành nhu cầu khách quan và tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Năm là, sự liên kết giữa các cơ quan, địa phương, cơ sở GDNN và doanh nghiệp giúp nâng cao tay nghề lao động, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bền vững.
Sáu là, các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển và doanh nghiệp lớn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, chính sách hấp dẫn, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động.
Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng xác định 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
1. Nhiệm vụ, giải pháp về truyền thông
Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GDNN, vay vốn tạo việc làm, việc làm ở nước ngoài và hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở sang học nghề. Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền chính sách về đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế; quảng bá các mô hình tốt sau học nghề, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trang bị kiến thức, kỹ năng mềm, kỷ luật lao động, văn hóa doanh nghiệp cho người lao động nhằm nâng cao năng lực làm việc. Phát triển đội ngũ truyền thông GDNN gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Xây dựng nội dung trực quan, dễ hiểu; đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội và tại các sự kiện như hội nghị, hội thảo, phiên giao dịch việc làm.
2. Nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Phát triển mạng lưới GDNN: đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất GDNN, gắn kết đào tạo với giáo dục đại học. Phát triển các trường cao đẳng tại Sóc Trăng đạt chuẩn quốc gia, khu vực, chất lượng cao. Nâng cấp trung tâm GDNN, nghiên cứu thành lập trung tâm thực hành vùng. Hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, khuyến khích đầu tư ngoài công lập.
Phát triển, đổi mới chương trình đào tạo: đổi mới chương trình hiện có; phát triển mới các ngành tiềm năng (logistics, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử...). Gắn đào tạo nghề với cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao kỹ năng số và chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo gắn với nông nghiệp hiện đại, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế địa phương.
Phát triển đội ngũ quản lý và nhà giáo: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và giảng dạy. Hợp tác với các trường, chuyên gia trong và ngoài nước. Huy động nghệ nhân, doanh nghiệp tham gia giảng dạy; nâng cao năng lực kiểm định và quản lý GDNN.
Nâng cao quản lý GDNN: ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu số hóa GDNN. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn đào tạo nghề với việc làm, cập nhật nội dung, nâng cao kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo. Tăng cường thực hành, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong đào tạo. Gắn kết đào tạo nghề với xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn.
Chính sách GDNN: thực hiện các chính sách hỗ trợ học phí, đào tạo lại, ưu tiên học sinh học nghề. Khuyến khích tư nhân đầu tư vào GDNN, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở công lập.
Hội nhập quốc tế: hợp tác với cơ sở GDNN nước ngoài, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, học liệu và phương pháp giảng dạy, trao đổi chuyên gia, giảng viên.
3. Nhiệm vụ và giải pháp về việc làm
Thứ nhất, gắn kết công tác GDNN, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với doanh nghiệp và thị trường lao động. Cập nhật nhu cầu: thường xuyên thu thập thông tin về nhu cầu lao động và phản hồi từ người học để nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm. Hợp tác đa bên: tăng cường phối hợp giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, người lao động và các tổ chức để đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.
Đào tạo hiệu quả: thực hiện các chương trình đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với từng ngành, nghề; gắn GDNN với việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Nguồn lực và chính sách: đảm bảo nguồn lực cho đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho lao động nông thôn. Xã hội hóa đào tạo nghề: khuyến khích doanh nghiệp và tư nhân tham gia đầu tư vào GDNN, ưu tiên những ngành nghề gắn với công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn.
Thứ hai, đối với hoạt động dịch vụ việc làm: Phát triển hệ thống việc làm: quy hoạch, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị để chuyển đổi số, kết nối dữ liệu việc làm với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thu hút lao động chất lượng cao: khuyến khích doanh nghiệp có chính sách thu hút nhân tài thông qua nhà ở, lương thưởng và điều kiện làm việc. Hỗ trợ lao động làm việc nước ngoài: đẩy mạnh hỗ trợ học nghề, vốn vay cho lao động và du học sinh đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Quản lý thị trường lao động: duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%, giảm lao động nông nghiệp xuống còn 40% vào năm 2030 và cải thiện việc làm cho thanh niên nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (giữa) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ (bên phải) và lãnh đạo Công ty TNHH Esuhai (bên trái).
Một số kết quả nổi bật:
Chính quyền tỉnh đã ban hành 24 văn bản chỉ đạo, lãnh đạo và cơ chế, chính sách trong lĩnh vực GDNN, việc làm, cụ thể: 3 chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy; 5 nghị quyết của HĐND tỉnh Sóc Trăng; 16 kế hoạch, đề án, dự án của UBND tỉnh Sóc Trăng. Tổ chức thành công Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ và Công ty TNHH Esuhai. Sóc Trăng đã trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường Đại học Cần Thơ, hoàn tất hồ sơ, thủ tục xin thành lập Phân hiệu Trường Đại học Cần Thơ, khai giảng các khóa đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (bên trái) trao biên bản bàn giao cơ sở vật chất cho lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: XUÂN HƯƠNG
Cho phép thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ trung cấp cho Trường Trung cấp Kỹ năng chuyên nghiệp Nhật Bản, với quy mô tuyển sinh/năm của 3 ngành, nghề đào tạo là 300 người, gồm: Tiếng Nhật, Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn và Dịch vụ chăm sóc gia đình (mỗi ngành, nghề 100 chỉ tiêu/năm); đã đưa 185 người lao động có hộ khẩu tại Sóc Trăng phái cử sang Nhật Bản, trong đó, số sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đã xuất cảnh thực tập và làm việc tại Nhật Bản 75 người. Hiện nay, số lao động đã trúng tuyển đợi xuất cảnh 71 người và số sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đang học tiếng Nhật dự bị định hướng tốt nghiệp làm việc tại Nhật Bản 105 người.
Ảnh mô phỏng Trường Trung cấp Kỹ năng chuyên nghiệp Nhật Bản.
Tổ chức thành công Hội giảng Nhà giáo GDNN tỉnh Sóc Trăng năm 2023, với 22 nhà giáo GDNN đến từ Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng tham dự trình giảng. Kết quả, 22 nhà giáo đều đạt giải, gồm: 4 giải nhất, 4 giải nhì, 5 giải ba và 9 giải khuyến khích. Có 5 nhà giáo được tuyển chọn tham dự Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024.
Trao giải cho các nhà giáo đạt giải nhất hội giảng. Ảnh: MAI KHÔI
Có 3 nhà giáo của Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đạt giải tại Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 tại Quảng Ninh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Công ty Cổ phần SHD Corp và Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng (từ trái qua phải) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: NGỌC HẢI
Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác triển khai thực hiện Chương trình du học cao đẳng nghề và việc làm cho học sinh, sinh viên Sóc Trăng tại Cộng hòa Liên bang Đức giữa: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng và Công ty Cổ phần SHD Corp.
Tổ chức thành công kỳ thi tay nghề cấp tỉnh năm 2024, với 80 thí sinh dự thi đến từ Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng. Kết quả có 35 thí sinh đạt giải, gồm: 7 giải nhất, 14 giải nhì và 14 giải ba.
Các thí sinh đạt giải nhất tại Kỳ thi tay nghề cấp tỉnh năm 2024. Ảnh: XUÂN HƯƠNG
Hội thảo đã góp phần rất lớn vào kết quả tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2024. Cụ thể, tuyển sinh 66.218 người (tỷ lệ 107,69% so với kế hoạch), gồm: trình độ cao đẳng là 2.678 người, trung cấp là 2.441 người, sơ cấp là 23.703 người, đào tạo thường xuyên, dưới 3 tháng 37.396 người. Đã tốt nghiệp 56.202 người (đạt 84,87% so với tổng số tuyển sinh), gồm: trình độ cao đẳng là 1.370 người, trung cấp là 1.065 người, sơ cấp 20.029 người, đào tạo thường xuyên, dưới 3 tháng 37.396 người. Hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 32,02%; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo 88,5%.
Giải quyết việc làm 107.204 người (đạt 97% so với kế hoạch), gồm: giải quyết việc làm trong nước 105.830 người, đưa 1.374 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đông (trong đó, có 314 người lao động đi du học, du học nghề, vừa học - vừa làm ở nước ngoài).
Nhìn chung qua hội thảo đã góp phần rất lớn vào kết quả tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2024. Cụ thể, tuyển sinh: 66.218 người (tỷ lệ 107,69% so với kế hoạch), gồm: trình độ cao đẳng là 2.678 người, trung cấp là 2.441 người, sơ cấp là 23.703 người, đào tạo thường xuyên, dưới 3 tháng 37.396 người. Tốt nghiệp 56.202 người (đạt 84,87% so với tổng số tuyển sinh), gồm: trình độ cao đẳng là 1.370 người, trung cấp là 1.065 người, sơ cấp 20.029 người, đào tạo thường xuyên, dưới 3 tháng 37.396 người. Hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào đạt 64,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 59,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 32,02%; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo 88,5%.
LÂM HÒA NHẪN
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/202412/soc-trang-ket-qua-nang-cao-chat-luong-nguon-lao-dong-sau-2-nam-to-chuc-hoi-thao-5f50e1a/