Bánh pía là đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng. Chính vì vậy, nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đặc sản này đã tham gia vào Chương trình OCOP. Mỗi đơn vị sản xuất bánh pía có hương vị khác nhau, tùy vào khẩu vị của khách hàng mà họ hướng đến. Do đó, sản phẩm bánh pía của hầu hết các đơn vị đều ngon, rất được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Các loại bánh pía đạt sao OCOP như: bánh pía sầu riêng, bánh pía sầu riêng môn, bánh pía kim sa… trong số đó, có thể kể đến là bánh pía can xại trứng muối của chủ thể Dương Thị Kiều Linh, chủ cơ sở bánh pía Mỹ Hiệp Thành, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Đây là bánh ngon và có hương vị lạ hơn so với các loại bánh pía truyền thống, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, đặc biệt là sau khi sản phẩm đạt sao OCOP thì thị trường tiêu thụ đã được mở rộng thêm hơn 50% so với trước.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đến tham quan cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU
Bà Dương Thị Kiều Linh chia sẻ: "Gia đình tôi đã sản xuất bánh pía hơn 70 năm, đây là nghề truyền thống được truyền qua 3 thế hệ. Trước đây, gia đình làm bánh thủ công chủ yếu bán nhỏ lẻ. Bánh ngon nên số lượng khách hàng mua ngày càng nhiều nên cơ sở tăng dần sản lượng. Bánh pía truyền thống với các loại nhân chính như: bánh pía đậu mỡ; bánh pía đậu, mỡ, trứng; bánh pía can xại và sau này sản xuất thêm bánh pía đậu, mỡ, sầu riêng; pía đậu mỡ khoai môn, đặc biệt là bánh pía can xại trứng muối (nhân bánh có thêm xá bấu muối), khi sản xuất bán ra thị trường, người tiêu dùng rất ưa chuộng và đặt hàng liên tục. Với tiềm năng của bánh pía can xại trứng muối đem lại, tôi đã đưa bánh đi tham gia Hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022 và sản phẩm đã đạt 3 sao OCOP. Khi đã đạt sao OCOP, bánh pía của cơ sở được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, sản lượng sản xuất tăng 50%. Để cho sản phẩm đẹp hơn, bắt mắt hơn, tôi đã thay đổi mẫu mã bên ngoài vỏ bánh; đầu tư thêm các trang thiết bị dùng sản xuất bánh như: lò nướng, máy làm vỏ bánh… Nhờ đầu tư trang thiết bị nên sản lượng bánh sản xuất tăng lên nhiều, bình quân 1 tháng số lượng bánh can xại trứng muối cung ứng ra thị trường 1.500 cây bánh; ngày lễ, Tết, số lượng tăng lên gấp nhiều lần".
Cũng là đơn vị sản xuất bánh có tiếng tại tỉnh Sóc Trăng, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn, xã Hồ Đắc Kiệm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có đến 8 sản phẩm bánh pía các loại đạt sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm bánh pía đạt 3 sao OCOP, còn lại 7 sản phẩm đạt 4 sao OCOP. Theo lãnh đạo công ty, để giữ hương vị truyền thống của bánh pía, ngoài việc sử dụng nguyên liệu làm bánh an toàn vệ sinh thực phẩm thì sử dụng các trang thiết bị sản xuất bánh rất cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy, sau khi sản phẩm đạt sao OCOP, công ty đã đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất bánh thay thế việc làm bằng thủ công, vì lượng bánh pía cung ứng ra thị trường trong nước nhiều hơn trước từ 5 - 10%.
Sóc Trăng có 237 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 4 sao, 219 sản phẩm đạt 3 sao của 135 chủ thể là công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Số lượng sản phẩm OCOP đến thời điểm hiện tại đã đạt và vượt 118% so với kế hoạch thực hiện Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có 8 sản phẩm bánh pía các loại đạt sao OCOP, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao OCOP và 1 sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU
Ngoài ra, công ty còn tham gia các cuộc hội chợ, các buổi xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm bánh pía, đã thu hút được các cửa hàng bán sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh trên cả nước đặt bánh pía của công ty về bán. Hiện tại, hầu hết các trang thiết bị sản xuất bánh pía đã được công ty đầu tư hoàn thiện. Hướng đến công ty sẽ nâng cấp 2 trong số 7 sản phẩm bánh pía đạt 4 sao lên 5 sao. Khi sản phẩm bánh pía nâng hạng lên đạt 5 sao sẽ góp phần nâng cao giá trị hơn, sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa đặc sản bánh pía Sóc Trăng.
Đóng góp lớn nhất của Chương trình OCOP là góp phần làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của người dân. Nguồn lực tại chỗ được khai thác tốt nhất và tái đầu tư trong khu vực nông nghiệp - nơi bắt nguồn và tạo ra các sản phẩm OCOP giúp tăng cường tích lũy nội bộ, tích lũy tại chỗ cho địa phương. Giá trị sản phẩm làm ra được gia tăng nhiều hơn góp phần gia tăng giá trị sản xuất trong khu vực nông nghiệp và thương mại, dịch vụ. Các sản phẩm OCOP với chuẩn chất lượng quy định sẽ có được giá bán cao hơn, số lượng bán ra nhiều hơn (trong tỉnh và ngoài tỉnh), từ đó đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho chủ thể OCOP, góp phần cải thiện sinh kế của cộng đồng, gia tăng phát triển kinh tế địa phương.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng
THÚY LIỄU