Bệnh sởi đang hoành hành và lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh minh họa: benhvienthucuc.vn
Nhận định được đưa ra khi tính đến cuối tuần qua, Mỹ đã báo cáo xác nhận 1.001 trường hợp mắc bệnh sởi và 3 ca tử vong, tăng đáng kể so với 285 trường hợp và không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào trong cả năm 2024. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đã xóa sổ bệnh sởi vào năm 2000, song Mỹ có nguy cơ mất vị thế này vào năm 2026 nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.
Không riêng Mỹ, các trường hợp mắc bệnh sởi cũng đang gia tăng trên khắp châu Âu, với gần 6.000 trường hợp đã được báo cáo với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu trong năm nay.
Ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2025, 2.584 ca sởi được xác nhận đã được báo cáo tại Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số 7 quốc gia Đông Nam Á, tình trạng lây lan đang diễn ra đã được báo cáo ở Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Brunei và Singapore đã loại trừ bệnh sởi vào năm 2015 và 2018.
Bệnh sởi được các chuyên gia y tế công cộng coi là cảnh báo nguy hiểm do tính lây lan cực cao. Một người bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus cho 12 - 18 người dễ mắc bệnh. Điều này có nghĩa là khả năng lây nhiễm của bệnh sởi cao gấp khoảng 2 lần so với bệnh thủy đậu và cao hơn nhiều lần so với COVID-19 hoặc cúm.
WHO ước tính, hơn 100.000 người, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, đã tử vong vì bệnh sởi trên toàn thế giới vào năm 2023. Ở các quốc gia có thu nhập cao như Mỹ và Singapore, tỷ lệ tử vong do bệnh sởi là khoảng 1/1.000 trường hợp.
Bi kịch có thể phòng ngừa
Được biết, nhiều ca tử vong trong số các trường hợp đã ghi nhận là có thể phòng ngừa được. Trong đó, một loại vaccine phòng bệnh sởi có hiệu quả cao đã được thương mại hóa từ năm 1963 và việc sử dụng rộng rãi các công thức vaccine khác nhau đã cứu sống khoảng 94 triệu người trong nửa thế kỷ qua, tức tỷ lệ cứu sống bệnh nhân nhiều hơn tất cả các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác cộng lại, ngoại trừ bệnh đậu mùa.
Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều yếu tố, phần lớn là hậu quả để lại của đại dịch COVID-19, đang thúc đẩy sự lây lan của virus sởi.
Quan trọng nhất là tỷ lệ tiêm chủng đã giảm ở nhiều quốc gia vì trẻ em đã bỏ lỡ các đợt tiêm chủng thường lệ do đại dịch. Các dịch vụ tiêm chủng cũng chậm phục hồi sau đại dịch.
Đồng thời, sự do dự về việc tiêm vaccine cũng tăng lên đáng kể.
Vì virus sởi rất dễ lây lan, miễn dịch cộng đồng thường đòi hỏi tỷ lệ tiêm chủng của dân số phải đạt ít nhất 95%. Điều này sẽ giúp virus khó lây lan, bảo vệ những người không thể tiêm vaccine như những người mắc chứng dị ứng với một hoạt chất cụ thể và người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.
Ngay cả một sự sụt giảm nhỏ trong phạm vi tiêm chủng cũng có thể tạo ra các nhóm dễ bị tổn thương.
Các đợt bùng dịch bệnh sởi thường xuyên hơn thường là báo hiệu về những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống y tế công cộng của một quốc gia và có thể là “nguyên nhân gốc rễ” của các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khác. Ngược lại, loại trừ bệnh sởi liên tục là minh chứng cho một hệ thống y tế công cộng đang hoạt động tốt.
Khủng hoảng bệnh sởi có khả năng trở nên trầm trọng hơn
Cuộc khủng hoảng này có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai gần.
Mỹ từ lâu đã là nền tảng của các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu thông qua viện trợ song phương và đa phương. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hủy hàng tỷ USD tài trợ cho Liên minh Vaccine Gavi. Quan hệ đối tác công tư này được thành lập để tăng khả năng tiếp cận vaccine ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và đã giúp tiêm chủng cho hơn 1 tỷ trẻ em trên toàn thế giới.
Cũng đáng lo ngại không kém là tương lai không chắc chắn của Mạng lưới Phòng thí nghiệm Sởi và Rubella Toàn cầu do WHO điều phối, bao gồm hơn 760 phòng thí nghiệm tại hơn 150 quốc gia và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động giám sát bệnh sởi toàn cầu. Khi Mỹ là nhà tài trợ duy nhất, việc Mỹ sắp rút khỏi WHO sẽ làm tê liệt đáng kể mạng lưới và các hoạt động giám sát dịch bệnh.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)