Ràng buộc kinh tế hé lộ lý do Thủ tướng Hungary Orban vẫn chọn tiến gần hơn về phía Nga? (Nguồn: Getty Images)
Bất chấp việc dòng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine sắp bị cắt, Thủ tướng Viktor Orban đang nỗ lực tìm cách khơi thông nguồn năng lượng từ Nga theo những con đường khác.
Nga cũng đang là đối tác chính của Budapest khi tham gia vào các dự án năng lượng quan trọng đối với "huyết mạch" kinh tế Hungary, khi đang triển khai xây dựng các khối nhà máy điện hạt nhân mới ở nước này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và thương mại Hungary, Peter Szijjarto, người nổi tiếng với lập trường thân Nga, thường khuyến khích các công ty lớn của Hungary nên đóng vai trò là hình mẫu cho các công ty nhỏ hơn trong việc kinh doanh tại Nga, đặc biệt là trong các lĩnh vực không bị trừng phạt.
Ông Peter Szijjarto cho biết rõ rằng, các mối liên hệ của ông trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, y tế, xây dựng, năng lượng và nông nghiệp đều không có kế hoạch rời khỏi thị trường Nga.
Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh, vào năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hungary sang Nga đã vượt quá 1 tỷ USD và sự tham gia của những gã khổng lồ như Tập đoàn năng lượng lớn nhất Hungary MOL sẽ truyền cảm hứng cho những công ty khác hoạt động tích cực hơn trong khu vực đó.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Viktor Orban đã thông báo với các nhà lãnh đạo EU rằng, ông sẽ không đồng ý gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Động thái này được cho là một chiến lược nhằm cản trở các lệnh trừng phạt tiếp theo của phương Tây đối với Nga.
Bất chấp xung đột quân sự tại Ukraine, chính quyền Budapest vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II với Rosatom của Nga là nhà thầu chính.
Thỏa thuận Hungary-Nga được ký kết vào năm 2014 với sự chứng kiến của Thủ tướng Viktor Orbán và Tổng thống Vladimir Putin, bao gồm khoản vay khoảng 8 tỷ Euro đến 9,5 tỷ Euro trong 30 năm để xây dựng hai khối nhà máy điện hạt nhân mới.
Việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân Hungary là dự án kinh tế lớn nhất của Thủ tướng Orban và theo đánh giá của các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu Phương Đông, đây là dự án hàng đầu trong quan hệ hợp tác Nga-Hungary.
Khối đầu tiên ban đầu được ấn định hoàn thành vào năm 2032, tuy nhiên nó có thể được đưa vào sử dụng muộn hơn tới một thập kỷ. Các cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu đã phát hiện ra những bất thường liên quan đến tính độc quyền tạm thời trong nguồn cung cấp nhiên liệu, khả năng vi phạm các quy tắc mua sắm công và việc cung cấp viện trợ nhà nước bị cho là không hợp pháp.
Dominik Hejj, một chuyên gia về chính trị Hungary, đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn trên businessalert.pl rằng, quan hệ kinh tế với Nga có lợi cho Hungary, "chúng hỗ trợ duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp, vốn rất quan trọng trong thời xung đột hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới".
Hungary phải đối mặt với những thách thức về khí đốt, khi thỏa thuận khí đốt với Nga qua đường ống trung chuyển Ukraine có vẻ không lạc quan. Giống như Slovakia và Áo, những nước trước đây được hưởng lợi từ khí đốt giá rẻ của Nga, nhưng các nước Trung Âu này sẽ phải ngừng nhận tài nguyên từ phía Đông thông qua đường ống "Hữu nghị".
Điều này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận vào ngày 19/12 tại cuộc họp báo thường niên của năm tại Điện Kremlin. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, thỏa thuận trung chuyển giữa Gazprom và các công ty khí đốt sẽ chấm dứt vào cuối năm 2024, do Ukraine từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển.
"Hợp đồng này sẽ không còn nữa, điều đó là rõ ràng. Nhưng không sao cả — chúng ta sẽ tồn tại, Gazprom sẽ tồn tại", Tổng thống Putin tóm tắt tình hình một cách ngắn gọn.
Tình hình này chủ yếu phát sinh từ việc Ukraine từ chối đàm phán lại thỏa thuận. Kiev đã chặn đường trung chuyển khí đốt đến Hungary và Slovakia, những nước vẫn phụ thuộc vào nguồn cung Nga.
Ngày 19/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tái xác nhận việc Ukraine sẽ không gia hạn quá cảnh khí đốt của Nga. Người Hungary chỉ có thể dựa vào việc vận chuyển khí đốt từ Nga qua tuyến đường phía Nam.
Theo Ngoại trưởng Peter Szijjarto, dòng khí đốt tới Hungary sẽ chảy qua đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".
“Điều này sẽ không thành vấn đề đối với chúng tôi, vì Hungary có thể nhập khẩu khí đốt qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông Szijjarto cũng cho biết rõ rằng, Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - một hệ thống đường ống chạy từ Nga dưới Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó đến Nam Âu, có thể sớm trở thành một giải pháp thay thế quan trọng cho việc vận chuyển khí đốt, bao gồm cả các quốc gia Trung Âu khác.
Hungary nhập khẩu khoảng 4,5 tỷ m3 (khoảng 160 tỷ Feet khối) khí đốt tự nhiên hàng năm theo hợp đồng 15 năm với Gazprom được ký vào tháng 9/2021. Khí đốt của Nga chiếm 80% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary.
(theo MSN)
Minh Anh