Sôi động đường đua xanh trên sông Maspero

Sôi động đường đua xanh trên sông Maspero
10 giờ trướcBài gốc
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo là một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Đây là lễ hội được tỉnh duy trì tổ chức hằng năm, nhằm tạo sinh khí vui tươi, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em của các địa phương trong vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer Nam Bộ”.
Ban tổ chức trao cờ và hỗ trợ kinh phí các đội ghe Ngo tham gia tranh tài.
Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã trao cờ lưu niệm và hỗ trợ mỗi đội ghe tham gia đua 30 triệu đồng. Sau lễ khai mạc, các đội ghe Ngo lần lượt bước vào các trận đấu vòng bảng trong sự cổ vũ nồng nhiệt của hàng trăm ngàn khán giả đứng kín hai bên bờ sông, có nhiều người chọn đứng trên nhà cao tầng, ngọn cây... để xem cho thoải mái.
Theo đồng bào Khmer, ghe Ngo trước đây là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây, chủ yếu là cây sao vì loại gỗ này nhẹ, không thấm nước, có độ đàn hồi tốt. Nhưng ngày nay, không còn nhiều cây sao to nên người Khmer dùng những mảnh ván ghép lại để thay thế.
Cái đội ghe đua vào vị trí chuẩn bị thi đấu.
Ghe Ngo được làm gần giống hình con rắn dài từ 25m đến 30m. Ở giữa chỗ rộng nhất là 1,1m. Đầu được uốn cong lên như đầu rắn. Ở đuôi ghe (hay gọi là sau lái) cũng được uốn cong lên nhưng cao hơn phía đầu. Mỗi ghe phải đảm bảo chở từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy. Ghe Ngo có 3 người điều khiển, trong đó người ngồi mũi chuyên về tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ cúng xuống ghe, chỉ đạo toàn ghe, điều khiển kỹ thuật bơi của ghe đua; người ngồi giữa và một người ngồi phía sau giữ nhiệm vụ thổi còi để thúc giục, điều chỉnh kỹ thuật bơi của các vận động viên.
Giải đua ghe Ngo thu hút hàng trăm ngàn du khách trong, ngoài tỉnh đến tham dự, cổ vũ các đội đua.
Mỗi nghe Ngo có một đặc điểm riêng, người Khmer gọi là biểu tượng riêng. Đây là dấu hiệu để ghi nhớ đồng thời thể hiện sức mạnh của ghe đua, thường được chọn cho quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh... Bà con tin rằng, trong quá trình thi đấu, ghe Ngo sẽ có khả năng lao đi với tốc độ nhanh, mạnh như con vật được chọn làm biểu tượng. Hai bên thân ghe, mũi ghe, đuôi ghe được trang trí hoa văn, màu sắc phù hợp với biểu tượng của ghe để tạo nên sức mạnh.
Để tạo nên sức mạnh giúp ghe di chuyển nhanh trong khi thi đấu, người dân dùng một hoặc hai cây dài cột chặt vào giữa ghe, bà con gọi là cây cần câu, một số nơi gọi là cây kềm. Cây này có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe lướt nhanh về phía trước. Đó là cây gỗ tốt, rất cứng, có đường kính khoảng 20cm. Đầu mỗi chiếc ghe Ngo đều vẽ hai mắt nổi, để ghe thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Quan niệm này gần giống với tục vẽ mắt cho thuyền đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.
Ghe Ngo chỉ sử dụng vào việc thi đấu và mọi hoạt động liên quan đến ghe Ngo đều phải cử hành lễ, như: lễ khởi công đóng ghe, lễ khánh thành ghe, lễ mặc áo cho ghe... Trước đây, đua ghe Ngo chỉ dành cho nam, phụ nữ không được tham gia. Từ năm 2013, phụ nữ đã được tham gia đua và có giải thưởng riêng.
V.Đức - C.Xuân
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/soi-dong-duong-dua-xanh-tren-song-maspero-i750258/