Sôi động trên các công trình trọng điểm Thủ đô

Sôi động trên các công trình trọng điểm Thủ đô
15 giờ trướcBài gốc
Công trường dự án xây dựng đường dẫn cầu Tứ Liên, Hà Nội. Ảnh: Duy Minh
Quyết liệt từ chỉ đạo đến hành động
Trong bức tranh phát triển của Thủ đô nửa đầu năm 2025, một điểm sáng rõ nét chính là sự chuyển mình mạnh mẽ của các dự án hạ tầng. Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND TP, hàng loạt công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu kép: vừa hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, vừa kích hoạt dòng chảy đầu tư công, một trong những mạch máu chủ lực của nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư tăng tốc thi công, tập trung vào những dự án chuyển tiếp và công trình trọng điểm đã được phân bổ lượng vốn lớn. TP đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư và không để xảy ra tình trạng giải ngân chậm, gây lãng phí nguồn lực công. Đồng thời, Hà Nội cũng chủ động tháo gỡ những nút thắt vốn kéo dài như công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá vật liệu xây dựng, khó khăn về nguồn cung hoặc bố trí tái định cư. Những động thái này đang giúp các công trình quan trọng trên địa bàn dần thoát khỏi cảnh ì ạch, bước vào giai đoạn tăng tốc.
Tại nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô, không khí công trường đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Một số dự án hạ tầng lớn đã chính thức được khởi công hoặc ghi nhận tiến độ tích cực. Tiêu biểu, dự án cầu Tứ Liên, công trình giao thông chiến lược bắc qua sông Hồng, đã chính thức động thổ ngày 19/5/2025 với tổng mức đầu tư lên tới gần 20.200 tỷ đồng. Dự án gồm 3 hợp phần giải phóng mặt bằng và một hợp phần xây dựng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Đây không chỉ là cây cầu mới kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực Đông Anh, mà còn là biểu tượng cho sự chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng.
Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, một siêu dự án có ý nghĩa liên kết vùng quan trọng, cũng đang ghi nhận tiến độ tích cực với mức giải ngân đạt 17,3% kế hoạch vốn. Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, với vốn đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 51,4%. Dự án nâng cấp Đại lộ Thăng Long nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình cũng đạt tiến độ giải ngân 31,7%. Nhờ sự đồng bộ trong chỉ đạo và triển khai, tổng vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước do Hà Nội quản lý đã đạt 33.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm – tăng 38% so với cùng kỳ và hoàn thành 32,1% kế hoạch năm. Đây là con số ấn tượng, phản ánh rõ nét quyết tâm và hiệu quả điều hành.
Đòn bẩy phục hồi và phát triển kinh tế
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, đầu tư công chính là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất để duy trì đà tăng trưởng. Không chỉ tạo công ăn việc làm, đầu tư công còn kích thích hàng loạt lĩnh vực đi kèm như: vật liệu xây dựng, vận tải, logistics và dịch vụ. Không chỉ nhìn về tác động kinh tế, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng còn mở đường cho sự bứt phá về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường sống, giảm áp lực giao thông và tăng chất lượng dịch vụ công. Đó là những giá trị mang tính nền tảng cho một đô thị văn minh, hiện đại và đáng sống.
Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2025, Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị liên quan phải “chạy nước rút” ngay từ quý III. Nhiều cuộc họp giao ban chuyên đề, các đợt kiểm tra thực địa đã được tổ chức liên tục. Các nhà thầu chậm tiến độ, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí xem xét thay thế. Một điểm mới đáng chú ý là việc phân cấp mạnh cho cấp huyện, xã trong tổ chức thực hiện dự án. Điều này giúp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, tăng tính chủ động và giảm gánh nặng điều hành cho cấp TP. Các dự án cấp xã, phường được giao trực tiếp cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư; các dự án chưa bố trí vốn cũng đang được rà soát để bảo đảm không gián đoạn khi chuyển mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp tại Hà Nội. Cùng với đó, HĐND TP đã thông qua điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2025 và các danh mục thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tổng diện tích điều chỉnh bổ sung hơn 1.100ha. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để duy trì tính liên tục trong thực hiện các dự án, tránh tình trạng bị “treo” trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực, song Hà Nội xác định rõ: nửa cuối năm là thời điểm then chốt để bảo đảm mục tiêu giải ngân cả năm. TP sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ từng điểm nghẽn cụ thể, từ thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng đến đấu thầu và nghiệm thu thanh quyết toán. Việc đẩy mạnh số hóa trong quản lý dự án cũng sẽ được triển khai đồng bộ, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả giám sát.
Đầu tư công là nền tảng, nhưng phải gắn với hiệu quả sử dụng, tiến độ thực tế và sự đồng thuận của người dân.
Hà Nội đang đi đúng hướng, nhưng để giữ được đà tăng trưởng, cần duy trì tinh thần hành động cao độ, linh hoạt điều hành và siết kỷ cương trong toàn hệ thống. Nếu làm được điều đó, Thủ đô không chỉ về đích trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, mà còn kiến tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong thập kỷ tới, với hạ tầng hiện đại, năng lực cạnh tranh vượt trội và một diện mạo đô thị thực sự mang tầm vóc mới.
Khi đầu tư công được đẩy mạnh một cách thực chất, không chỉ là sự vận động của dòng tiền ngân sách, mà còn là cú hích kéo theo đầu tư tư nhân, tăng niềm tin thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị về dài hạn.
TS Nguyễn Đức Kiên - Chuyên gia tài chính công
Quý Nguyễn
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/soi-dong-tren-cac-cong-trinh-trong-diem-thu-do-424261.html