Sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ trên quê hương Mường Động

Sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ trên quê hương Mường Động
3 giờ trướcBài gốc
Là 1 trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh, trong những năm qua, hoạt động văn hóa, văn nghệ (VHVN) trên quê hương Mường Động - Kim Bôi diễn ra sôi nổi, trở thành "món ăn" tinh thần thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn.
Huyện Kim Bôi chú trọng truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh chụp tại Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn.
Gặp chị Bùi Thanh Hoa, xã Vĩnh Đồng vào thời điểm huyện Kim Bôi chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm, làm việc với Huyện ủy Kim Bôi (1964 - 2024) và 65 năm ngày thành lập huyện (1959 - 2024), chị Hoa chia sẻ: Chị em trong đội văn nghệ tích cực luyện tập chiêng Mường để chào đón khách về dự lễ kỷ niệm. Qua đó khơi dậy thêm niềm tự hào về quê hương Mường Động giàu bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường.
Không chỉ ở xã Vĩnh Đồng, hoạt động VHVN diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các ngành, đoàn thể, địa phương góp phần thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân. Các loại hình trình diễn dân gian ngày càng được quan tâm bảo tồn và phát huy như: trình tấu chiêng Mường, dân ca và các điệu múa dân tộc Mường, Dao…; mo Mường và các hoạt động tín ngưỡng tại lễ hội… Hàng năm, lễ hội Mường Động được tổ chức vào ngày mồng 8 Tết Nguyên đán tại xã Vĩnh Đồng thu hút đông diễn viên quần chúng tham gia vào các hoạt động VHVN, rước kiệu, trình diễn chiêng Mường...
Đồng chí Nguyễn Vũ Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kim Bôi cho biết: Toàn huyện hiện có 158 đội văn nghệ xóm, khu dân cư; 1 nhà văn hóa huyện; 13/17 nhà văn hóa xã, thị trấn; 149/158 nhà văn hóa xóm, bản và 17 câu lạc bộ (CLB) chiêng Mường, bảo tồn văn hóa Mường, dân ca Mường, mo Mường thường xuyên hoạt động. Đội văn nghệ và CLB là nơi nuôi dưỡng, phát triển các tiềm năng về VHVN quần chúng, đặc biệt là truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ. Tiêu biểu có CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Mường xóm Lục Đồi, thị trấn Bo; CLB chiêng và hát dân ca xã Đú Sáng… Trong 10 năm gần đây, huyện tổ chức 15 hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, tuyên truyền cổ động, liên hoan văn nghệ dân gian và hội thi của các ngành; mở 10 lớp tập huấn truyền dạy chiêng Mường, dân ca Mường. Huyện có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 6 ông mo được Hiệp hội UNESCO Việt Nam cấp bằng công nhận nghệ nhân mo Mường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động VHVN quần chúng tại cơ sở trên địa bàn huyện còn một số khó khăn như: Nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập không có, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu, nhất là địa bàn vùng sâu, xa...
Để đẩy mạnh phong trào VHVN, thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác VHVN quần chúng. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tại cơ sở, đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa tại cơ sở; hỗ trợ xây dựng các CLB VHVN, đội văn nghệ, quan tâm phát triển các hoạt động văn nghệ dân gian nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Làm tốt công tác quản lý hoạt động văn nghệ quần chúng. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý công tác VHVN trên địa bàn. Đề xuất các chế độ, chính sách, mức đầu tư cho hoạt động nghệ thuật quần chúng. Tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Củng cố, đổi mới hoạt động các CLB, Hội nghề nghiệp liên quan tới hoạt động văn học, nghệ thuật nhằm nâng cao khả năng tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân. Bên cạnh đó, quan tâm phát huy khả năng sáng tạo của nhân dân, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Hương Lan
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/16/195139/soi-noi-ph111ng-trao-van-hoa,-van-nghe-tren-que-huong-muong-dong.htm