Người dân xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông tham gia các trò chơi trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc -Ảnh: TRẦN TUYỀN
Một ngày đầu tháng 11, khi đi qua thôn Văn Quỹ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ, vỗ tay náo nhiệt của rất đông người dân đang tập trung bên lề đường. Hỏi ra mới hay người dân thôn Văn Quỹ đang hăng say tập luyện đua ghe để tham gia cuộc thi đua ghe trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Văn hóa quân - dân.
Bà Nguyễn Thị Diễm (50 tuổi), thành viên đội đua ghe số 2, thôn Văn Quỹ chia sẻ: “Ngày 10/11 thôn Văn Quỹ tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và Ngày hội Văn hóa quân - dân. Để chuẩn bị cho ngày hội, khoảng nửa tháng nay các đội trong thôn tích cực tập luyện đua ghe để giải đua ghe thành công tốt đẹp”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hải Phong Nguyễn Đức Châu Thành thông tin, đua ghe là một hoạt động thể thao truyền thống của địa phương và thường được tổ chức để chào mừng các ngày lễ, sự kiện quan trọng trong năm. Xã Hải Phong có 7 thôn, hằng năm có từ 1 - 2 thôn tổ chức đua ghe chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo hình thức đăng ký luân phiên. Năm nay, hoạt động này do thôn Văn Quỹ tổ chức và dự kiến có 6 đội tham gia. Ngoài ra, xã Hải Phong còn tổ chức các trò chơi dân gian khác trong ngày hội, như: bưng trống đá, kéo co, nhảy bao bố...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hải Lăng Phạm Ngọc Ánh cho hay, toàn huyện có 16 xã, thị trấn với 69 khu dân cư. Theo kế hoạch, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và Ngày hội Văn hóa quân - dân năm 2024 được tổ chức từ ngày 3-16/11. Các xã lựa chọn những khu dân cư điển hình để tổ chức điểm, sau đó triển khai tại tất cả các địa phương. Hiện nay, người dân trên địa bàn đang tích cực triển khai những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và Ngày hội Văn hóa quân - dân năm 2024 do khu dân cư tổ chức.
Trong phần lễ, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống 94 năm thành lập MTTQ Việt Nam 18/11 (1930-2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 (1944-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12 (1989- 2024); báo cáo của ban công tác mặt trận khu dân cư. Phần hội là các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, các trò chơi dân gian của địa phương, như: kéo co, bịt mắt đập om, đi cầu khỉ, bắt cá dét, đổ nước vào chai, đua ghe... Những trò chơi dân gian diễn ra trong không khí vui tươi, sôi nổi, góp phần làm thắm thêm tình làng nghĩa xóm.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để tôn vinh và phát huy những giá trị truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, nhân ái của mỗi người dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để người dân đánh giá kết quả các hoạt động tự quản, đoàn kết của cộng đồng; suy tôn, biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Ngày hội tổ chức theo hướng ngày càng mở rộng, gắn kết với các dịp kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước; hình thức tổ chức phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung; tạo động lực mạnh mẽ để mỗi khu dân cư thực hiện tốt các hoạt động vì người nghèo, hoạt động chỉnh trang nông thôn, đô thị.
Năm nay là năm đầu tiên Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức gắn với Ngày hội Văn hóa quân - dân theo Đề án tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhằm đảm bảo việc tổ chức ngày hội an toàn, trật tự, tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, cuộc vận động, phong trào thi đua đang triển khai trên địa bàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Hồng Sơn cho biết, thông qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để củng cố, tăng cường sự gắn kết, đồng thuận của cư dân trong cộng đồng; phát huy vai trò chủ thể, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng các giá trị tốt đẹp về đổi mới và phát triển quê hương; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương các dân tộc.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị yêu cầu, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Văn hóa quân - dân năm 2024 được tổ chức ở tất cả các khu dân cư hoặc liên khu dân cư trong toàn tỉnh. Việc tổ chức ngày hội phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả bằng các hình thức phù hợp, tránh phô trương, hình thức, không phù hợp với văn hóa dân tộc.
Tại ngày hội, các khu dân cư đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền về truyền thống gắn bó quân - dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương; kết quả thực hiện nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” và phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”...
“Tại mỗi khu dân cư, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Văn hóa quân - dân năm 2024 diễn ra trong 1 ngày. Trên địa bàn toàn tỉnh, ngày hội được tổ chức từ ngày 1-18/11, với tinh thần: Gắn bó quân - dân; hoạt động vì người nghèo và hỗ trợ xóa nhà tạm bợ, dột nát; xây dựng khu dân cư đoàn kết, dân chủ, ấm no, an toàn, hạnh phúc”, ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm.
Trần Tuyền