Từ ngày 1/7, nhiều nhà đầu tư chứng khoán bắt đầu phải chi trả thêm một khoản phí đáng kể khi giao dịch, do loạt công ty chứng khoán đồng loạt điều chỉnh biểu phí dịch vụ. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 chính thức có hiệu lực, áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 10% cho một số dịch vụ tài chính trước đây được miễn thuế.
Theo quy định mới, các dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán như lưu ký, rút lưu ký, chuyển quyền sở hữu, phong tỏa tài khoản, phát hành OTP… sẽ chính thức trở thành đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Trước sự thay đổi này, các công ty chứng khoán đã nhanh chóng cập nhật biểu phí mới và thông báo đến khách hàng ngay trong những ngày cuối tháng 6.
Đơn cử như Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), mức phí lưu ký chứng khoán đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm đã tăng từ 0,27 đồng/đơn vị/tháng lên 0,297 đồng, tương ứng với mức tăng 10%. Tương tự, phí lưu ký trái phiếu doanh nghiệp được điều chỉnh từ 0,18 đồng lên 0,198 đồng/đơn vị, nâng trần phí từ 2 triệu đồng lên 2,2 triệu đồng/tháng/mã.
Không chỉ phí lưu ký, các loại phí khác tại SHS cũng đồng loạt tăng. Phí rút lưu ký nâng từ 0,2% lên 0,22% giá trị chứng khoán, với mức tối thiểu tăng từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng/lần và tối đa từ 1 triệu đồng lên 1,1 triệu đồng/lần. Các dịch vụ khác như chuyển quyền sở hữu, phong tỏa, giải tỏa tài khoản, xử lý thừa kế, biếu tặng, hay thậm chí phí phát hành thẻ OTP… cũng đều được điều chỉnh tăng theo đúng tỷ lệ thuế mới.
Tình trạng tăng phí không chỉ giới hạn ở SHS. Hàng loạt công ty chứng khoán khác như VNDirect, Rồng Việt (VDSC), VCBS cũng đã thông báo tương tự. Trong đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết từ ngày 1/7, toàn bộ các loại phí như lưu ký, chuyển khoản, rút chứng khoán, bù trừ chứng khoán phái sinh, quản lý tài sản ký quỹ… sẽ đồng loạt chịu thuế 10%.
Với VCBS, công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, mức thuế mới sẽ được thu bổ sung trực tiếp từ khách hàng trên tất cả các dịch vụ chịu thuế. Các khoản phí được liệt kê bao gồm: phí lưu ký chứng khoán, phí quản lý tài sản ký quỹ chứng khoán phái sinh, phí bù trừ vị thế phái sinh, phí chuyển khoản và phong tỏa tài sản tại VSDC.
Đại diện các công ty chứng khoán đều khẳng định việc điều chỉnh là nhằm tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật mới ban hành. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những người đầu tư dài hạn hoặc thường xuyên thực hiện các giao dịch tài sản, khoản chi phí cộng thêm 10% sẽ là gánh nặng không nhỏ trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến động và thanh khoản chưa thực sự ổn định.
Trong bối cảnh thị trường đang bước vào nửa cuối năm, giai đoạn thường chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, việc gia tăng chi phí dịch vụ là yếu tố mà nhà đầu tư cần tính đến trong bài toán lợi nhuận, rủi ro khi tham gia thị trường thời gian tới.
Thiên Ân