Sớm bố trí nơi ở ổn định cho người dân di dời do sạt lở đất

Sớm bố trí nơi ở ổn định cho người dân di dời do sạt lở đất
2 giờ trướcBài gốc
22 hộ dân với gần 100 nhân khẩu xóm Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), đang sinh sống tập trung tại nhà văn hóa xóm và điểm trường Liên Phương.
Nguy cơ sạt lở đất đã khiến 26 hộ dân xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) phải di dời đến những khu vực an toàn, nhà văn hóa, các điểm trường tạm trú hơn 1 tháng nay. Riêng tại xóm Liên Phương có 22 hộ là người dân tộc Mông với gần 100 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại điểm trường và nhà văn hóa xóm. Trong điều kiện thời tiết thất thường, sinh hoạt thiếu thốn, tâm lý lo lắng sau thiên tai đang đè nặng lên mỗi người.
Chị Vương Thị Di chia sẻ:Chúng tôi đều được cấp gạo ăn, mì tôm... đầy đủ, được hỗ trợ tiền nữa, nhưng cũng gặp nhiều bất tiện. Chúng tôi mong muốn sớm được Nhà nước hỗ trợ xây nhà để ổn định cuộc sống.
Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết. Toàn bộ các hộ dân này đều được cấp gạo ăn, nhu yếu phẩm, bà con vẫn chủ động lao động, sản xuất. Địa phương đang xây dựng khu tái định cư tại xóm Liên Phương, phục vụ cho 35 hộ dân. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành trước tháng 11 năm nay, trong đó 22 hộ này sẽ ưu tiên đưa vào khu tái định cư cũng như hỗ trợ tiền xây mới nhà ở theo quy định.
Cũng thuộc diện phải di dời do nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất cao, hơn 2 tuần nay, 9 hộ dân với 30 nhân khẩu của xóm Khau Đu, xã Yên Trạch (Phú Lương) hỗ trợ nhau dựng lán ở tạm tại khu vực nhà văn hóa xóm. Ông Dương Văn Đại, một trong 9 hộ đang sinh sống tạm ở đây chia sẻ: Nhà tôi xây ở được hơn 1 năm nay, nằm trong khu có nguy cơ sạt lở cao. Dù không bị ảnh hưởng nhưng sau hàng loạt vụ sạt lở đất vào nhà dân trên địa bàn nên chúng tôi không dám ở lại nữa, chính quyền vận động gia đình ra ở tạm trong nhà bạt. Dẫu được các nhà hảo tâm đến hỗ trọ nhu yếu phẩm song cuộc sống ở nhà bạt khó khăn, bất tiện nhất là thiếu nước, khu vực vệ sinh... Chúng tôi mong chính quyền, Nhà nước bố trí quỹ đất, hỗ trợ tiền xây nhà mới để ổn định cuộc sống.
Sau cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, xã Yên Trạch có 238 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 6 nhà sập hoàn toàn, hơn 10 nhà hư hỏng từ 50-70%.
Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, cho biết: Để phòng tránh những thiệt hại về người và nhà ở do nguy cơ sạt lở đất, xã vận động di dời 17 hộ thuộc các xóm: Khau Đu, Khuôn Cướm, Bản Héo, Làng Nông, sinh sống nhờ anh em, dựng lán tạm tại khu vực nhà văn hóa. Trước mắt, chính quyền xã vận động nguồn lực, nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền mặt xây dựng nhà cho các hộ dân trên cơ sở rà soát hộ nào còn quỹ đất đảm bảo an toàn, phù hợp quy hoạch sẽ xây nhà. Với những hộ không còn đất, chúng tôi cũng đang lúng túng, chưa có hướng giải quyết, vì chưa có quy hoạch khu tái định cư trong quỹ đất công của xã.
Người dân xóm Khau Đu, xã Yên Trạch (Phú Lương), hộ nhau dựng lán sống tạm tại khu vực nhà văn hóa.
Tại Định Hóa, mới đây lãnh đạo huyện cũng tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân tại các xã: Trung Lương, Phúc Chu, Tân Dương, Thanh Định, Trung Hội, phải di dời nhà ở do nguy cơ sạt lở đất. Theo thống kê, sau cơn bão số 3, toàn huyện có 10 hộ dân đang ở những nơi có nguy cơ sạt lở đất, gây sập nhà bất cứ lúc nào, đe dọa tới tính mạng người dân. Trước tình hình đó, huyện và các xã đã di dời người dân và tài sản tới các nơi ở tạm an toàn. Đa số các hộ dân đều có chung nguyện vọng mong muốn được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở tại nơi ở mới đảm bảo an toàn trước mắt và lâu dài, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các thủ tục về đất đai để các hộ dân mua được đất và sớm khởi công xây nhà.
Lãnh đạo huyện Định Hóa cũng đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, các xã có hộ dân phải di chuyển nhà ở phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hồ sơ đất cho người dân trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động xã hội hóa để ưu tiên hỗ trợ tiếp cho các hộ dân này để có thêm nguồn lực xây dựng nhà…
Những lều, nhà bạt chỉ tạm thời giúp người dân vượt qua nguy hiểm trước mắt. Để ổn định lâu dài, việc tìm kiếm giải pháp nhà ở bền vững và khắc phục những khu vực sạt lở vẫn đang là thách thức lớn đối với chính quyền địa phương. Bởi ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, hiện tại diện tích đất rộng, nhưng chủ yếu là núi cao, vị trí nguy hiểm nên khó xây nhà ở cho người dân. Việc ổn định cho người dân cũng gặp không ít khó khăn do liên quan đến sinh kế, phong tục tập quán, đất canh tác, sản xuất…
Bản thân người dân dù được hỗ trợ đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu song cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Hơn nữa sống tập trung lâu ngày cũng dễ mất an toàn vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nhất là khu vực đồng bào người Mông. Bởi thế, về lâu dài cần có những giải pháp phù hợp, như: đối với những hộ có nhà sập hoàn toàn nhưng không thiệt hại về người, nếu người dân có điều kiện thì tự tìm đất, tự làm sẽ có hỗ trợ của Nhà nước. Các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, neo đơn sẽ có phương án hỗ trợ, không để người dân không có chỗ ở. Đối với những nhà phải di chuyển thì ưu tiên các hộ di dời khẩn cấp; những chỗ chưa thật sự nguy hiểm, các đơn vị đề xuất phương án làm đường, hệ thống thoát nước để người dân yên tâm sinh sống…
Lưu Phượng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/som-bo-tri-noi-o-on-dinh-cho-nguoi-dan-di-doi-do-sat-lo-dat-a980273/