Các loại tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp
Đa số đại biểu cho rằng, trong năm 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Đồng thời, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động nắm tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối bảo vệ an ninh quốc gia; kịp thời khởi tố điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, Báo cáo đã chỉ rõ việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa: “Phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và công tác phát hiện, điều tra, khám phá với các loại tội phạm: tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tệ nạn về ma túy”.
Đồng thời, đề cập nhiều vấn đề phức tạp trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ… Đặc biệt, còn nêu những bất cập trong các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành đã ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, bức tranh chung về tình hình an ninh, trật tự xã hội cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn tiếp tục tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng như tội phạm giết người; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm ma túy; chống người thi hành công vụ; tội phạm kinh tế, tham nhũng…
Từ ngày 1.10.2023 đến 30.9.2024, toàn quốc đã xảy ra 54.127 vụ, tăng 12,53%, làm 1158 người chết, 10.253 người bị thương, thiệt hại tài sản 11.253 tỷ đồng. Đặc biệt, đã xảy ra nhiều vụ án với các hành vi gây án rất manh động, liều lĩnh và mất nhân tính.
Tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Đại biểu Trình Lam Sinh nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội dựa trên sự xuất hiện và phát triển của hàng loạt các công nghệ thông minh tích hợp với các nền tảng công nghệ số song cũng đi kèm theo một loạt nguy cơ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng và tội phạm trực tuyến.
Đại biểu cũng cho rằng, một trong những hình thức phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực này là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn và ổn định của an ninh mạng và của xã hội của nước ta.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đồng tình với các giải pháp và biện pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và liên tục có những cảnh báo về hành vi, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân được biết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.
Các cơ quan chức năng khai thác có hiệu quả tiện ích của các trang mạng xã hội để đăng tải, cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, hành vi, thủ đoạn tội phạm phù hợp với diễn biến tình hình mới, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi.
Đồng thời, cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng; chuẩn hóa thông tin về thuê bao di động, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập, còn thiếu để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới…
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Ở khía cạnh khác, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) chỉ rõ, việc mua bán thông tin cá nhân trên không gian mạng diễn ra công khai, trắng trợn với những thông tin chi tiết được rao bán từ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, chức vụ… thậm chí các trang web còn ghi rõ số điện thoại để người có nhu cầu liên hệ dễ dàng thương lượng, mua bán.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện chỉ có Nghị định số 13 năm 2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngoài ra chưa có văn bản luật nào quy định về vấn đề này.
Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tích cực hơn nữa trong việc tìm các giải pháp hiệu quả, sớm chấn chỉnh tình trạng này để thông tin của mỗi cá nhân sẽ được giữ gìn và bảo vệ, nhất là trên không gian mạng.
N. Thành - M. Trang