Phường Điện Biên Phủ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường: Him Lam, Tân Thanh, Mường Thanh, Thanh Bình, Thanh Trường và xã Thanh Minh. Sau khi sắp xếp, tên gọi các tổ dân phố (TDP) ở các phường cũ bị trùng nhau do đều đánh số theo thứ tự 1, 2, 3, 4... Dù có tên trùng nhau nhưng các TDP nằm rải rác ở nhiều khu vực, không liền kề về mặt địa lý, khiến việc nhận biết vị trí cụ thể càng trở nên khó khăn.
Phường Điện Biên Phủ có nhiều tổ dân phố trùng tên
Anh Nguyễn Văn Lâm, nhân viên giao hàng, chia sẻ: “Nhiều TDP trùng tên nên tôi phải gọi điện xác minh nhiều lần, thậm chí hỏi thêm cả địa chỉ trước khi sáp nhập để dễ tìm. Có hôm chạy lòng vòng cả tiếng đồng hồ vẫn không giao được hàng, lại phải quay về”.
Thực tế này không chỉ gây lãng phí thời gian, chi phí cho đơn vị vận chuyển mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi sử dụng dịch vụ giao nhận.
Tương tự, tại phường Mường Thanh cũng đang tồn tại tình trạng nhiều tổ dân phố trùng tên do được đặt theo số thứ tự như TDP 1, TDP 2, TDP 3... Bà Nguyễn Thị Lan, người dân TDP 9, phường Mường Thanh cho biết: “Phường Mường Thanh hiện nay có hai TDP 9. Để phân biệt chúng tôi vẫn gọi tên TDP kèm tên phường cũ. Nhưng về lâu dài, việc đổi tên TDP để tạo thống nhất, đồng bộ là rất cần thiết”.
Phường Mường Thanh hiện nay có 2 tổ dân phố 9
Không chỉ xảy ra tình trạng trùng tên TDP tại các phường, hiện nay một số xã cũng ghi nhận việc nhiều thôn, bản trùng tên, dẫn đến thiếu thống nhất trong quản lý hành chính. Đơn cử như tại xã Thanh Nưa, hiện có tới 4 thôn cùng mang tên Thanh Bình. Điều này khiến nhiều người dân gặp vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc các giao dịch dân sự như: Mở tài khoản ngân hàng hay ký kết hợp đồng.
Việc trùng tên TDP, thôn, bản khiến thông tin địa chỉ dễ bị nhầm lẫn, sai lệch, buộc người dân phải giải thích nhiều lần hoặc bổ sung giấy tờ xác minh, mất thời gian và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng.
Người dân gặp khó khăn trong khai báo thông tin cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính do trùng tên thôn, bản, TDP.
Trong khi chờ quy định mới, các phường, xã trên địa bàn tỉnh đang linh hoạt sử dụng cách gọi tên tạm thời, thường là gọi kèm tên của phường cũ để tránh trùng lặp, chồng chéo và đảm bảo hoạt động hành chính diễn ra thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Quý, công chức UBND phường Mường Thanh cho biết: “Quá trình vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chúng tôi đã nhận rõ thực trạng và những bất cập do tình trạng trùng tên TDP gây ra. Đây là nhiệm vụ cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để tiến hành đổi tên phù hợp với yếu tố văn hóa, lịch sử và đặc điểm riêng của từng địa phương, nhằm đảm bảo tính thống nhất, lâu dài và thuận lợi trong quản lý hành chính”.
Sớm thay đổi tên thôn, bản, tổ dân phố trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý hành chính và tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch dân sự.
Ngày 4/7/2025, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 4753/BNV-CQĐP về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Cụ thể, đối với trường hợp trùng tên thôn, TDP, UBND cấp xã sẽ xây dựng phương án đổi tên và tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện các hộ gia đình. Nếu có trên 50% cử tri đồng ý, phương án sẽ được hoàn thiện và trình HĐND cấp xã xem xét, quyết định. Đây là căn cứ quan trọng để các xã, phường trên địa bàn tỉnh Điện Biên sớm khắc phục bất cập, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.
Bài, ảnh: Nhật Oanh