Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ảnh minh họa
Tại chỉ thị đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai.
Thủ tướng cũng giao Bộ này tăng thanh, kiểm tra việc ban hành bảng giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu giá quyền sử dụng đất của các địa phương. Với các hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan quản lý chấn chỉnh, xử lý nghiêm, tránh gây nhiễu loạn thị trường.
Được biết, Luật Đất đai 2024 đã có quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, trong đó đã quy định rõ về mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là tập trung, đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương được kết nối liên thông trên phạm vi cả nước và sử dụng đa mục tiêu. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ và phần mềm hệ thống, xây dựng cơ sở dữ liệu, đảm bảo đến năm 2025 đưa Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác. Bên cạnh đó, về quy định kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai.
Đến nay, trên địa bàn cả nước có 2 mô hình hệ thống đang được vận hành bao gồm: mô hình tập trung cả nước có 31/63 tỉnh (đối với các tỉnh, thành phố đang dùng phần mềm VBDLIS) và mô hình phân tán theo từng tỉnh có 32/63 tỉnh (đối với các tỉnh, thành phố đang dùng phần mềm ViLIS, ELIS, TMVLIS, DongNaiLIS, SouthLIS).
Với cơ sở dữ liệu đất đai, hiện Trung ương đã xây dựng xong 4 thành phần gồm hiện trạng sử dụng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; khung giá và điều tra cơ bản về đất đai. Còn dữ liệu do các địa phương xây dựng cũng đang hoàn thiện với gần 50 triệu thửa từ 484 đơn vị cấp huyện đã có dữ liệu địa chính. Đến nay, gần một nửa đơn vị cấp huyện (300 đơn vị) xong dữ liệu giá đất.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đô thị thông minh, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Đặc biệt, nhằm thực hiện giao dịch điện tử về đất đai, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và phục vụ người dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động quản lý đất đai...
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo yêu cầu của Nghị quyết 18, Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TNMT khẩn trương tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TNMT khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS), đồng thời, phối hợp với các đơn vị để đạo tạo, chuyển giao công nghệ cho các địa phương.
Minh Thành