Dự kiến tuyến LRT sẽ được kết nối với nhà ga trung tâm thành phố mới Bình Dương, tăng hiệu quả của cả 2 tuyến LRT và metro
Hướng đi phù hợp
Mới đây, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã có báo cáo tiền khả thi Dự án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) Thủ Dầu Một. Đại diện Tập đoàn Tokyu cho biết trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh về nghiên cứu khả thi của dự án, tập đoàn đã đề xuất và nhận được sự chấp thuận của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đồng ý tài trợ 100 triệu yên cho dự án khảo sát lập quy hoạch tổng thể phát triển vùng tỉnh về tăng trưởng xanh tại Bình Dương. Dự án nghiên cứu hệ thống giao thông LRT, khu công nghiệp xanh, kế hoạch năng lượng tái tạo, thành phố thông minh TOD tại Bình Dương.
Tập đoàn Tokyu đề xuất đầu tư 3 tuyến đường sắt, bao gồm các tuyến Metro số 1, số 2 của Bình Dương và tuyến LRT. Cũng theo đề xuất của Tập đoàn Tokyu, sẽ có 2 phương án để thực hiện, phương án 1 do vai trò 3 tuyến khác nhau nên có thể làm 3 tuyến; phương án 2 là phát triển tuyến LRT chính là tuyến Metro số 2 trên cơ sở phải thiết kế kết cấu sao cho tuyến metro và tuyến LRT cùng vận hành được.
Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng để đánh giá tính khả thi của phương án đề xuất đầu tư nói trên cần có khảo sát và nghiên cứu cụ thể về dự báo nhu cầu giao thông, khả năng bố trí quỹ đất đầu tư hạ tầng đường sắt theo quy hoạch đã được duyệt, sự phù hợp về giải pháp công nghệ…
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết để có cơ sở xác định tính khả thi của việc phát triển tuyến LRT trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chuyên gia nghiên cứu của Tập đoàn Tokyu nhằm kịp thời hoàn thiện báo cáo khả thi của dự án. Đây là cơ sở để Sở Xây dựng nghiên cứu, xem xét, báo cáo UBND tỉnh về tính khả thi của báo cáo nghiên cứu và đề xuất phương án đầu tư phù hợp.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Minh, tuyến LRT có vai trò quan trọng trong việc tạo ra mạng lưới vận chuyển kết nối với các tuyến Metro số 1, số 2 trong tương lai của Bình Dương. Nếu như tuyến Metro số 1 tạo mạng lưới kết nối với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đóng vai trò là trục giao thông kết nối với các địa phương, đô thị lớn lân cận thì tuyến LRT có vai trò kết nối các khu vực trung tâm của đô thị để chuyển tiếp đến các nhà ga chính của tuyến metro. Từ đó các tuyến LRT giúp kết nối giữa các đô thị của tỉnh tạo mạng lưới kết nối đồng bộ giúp người dân, hành khách lựa chọn loại hình di chuyển này được dễ dàng, thoải mái hơn.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Tuyến LRT và các tuyến buýt kết hợp trung chuyển hành khách được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong các khu vực đông dân cư và khu công nghiệp, giúp công nhân lao động dễ dàng di chuyển từ nơi ở đến các khu công nghiệp. Đầu tư tuyến LRT góp phần phát triển giao thông công cộng, đa dạng hóa các loại hình vận tải công cộng. Tuyến LRT cùng với các tuyến buýt đô thị sẽ kết nối, trung chuyển hành khách đến nhà ga metro trong tương lai, từ đó tạo thành một mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng phát triển trong giai đoạn mới.
Nâng tầm hạ tầng giao thông
Bình Dương hiện có 3 đơn vị vận hành tuyến buýt xanh, sử dụng năng lượng sạch CNG gồm Công ty TNHH Becamex Tokyu, Công ty Cổ phần Phương Trinh và Công ty TNHH Phúc Gia Khang. Những đơn vị này cho biết sẵn sàng tham gia vào việc trung chuyển hành khách đến các nhà ga thuộc tuyến Metro số 1, số 2 và tuyến LRT trong tương lai. Đáng chú ý, năm 2024 Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển tuyến buýt nhanh (BRT) trên địa bàn Bình Dương.
Tuyến LRT được Tập đoàn Tokyu đề xuất có chiều dài khoảng 13km, tổng mức đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhận định với những tiềm năng hiện có và việc đầu tư các tuyến BRT sẽ tạo được mạng lưới trung chuyển đa dạng, góp phần để người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân để di chuyển bằng vận tải hành khách công cộng metro, LRT, BRT nhiều hơn trong tương lai. Cùng với tuyến metro, LRT, tuyến BRT có khả năng vận chuyển lượng lớn hành khách một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp giảm tải cho đường bộ và giảm ùn tắc giao thông, nhất là trong các đô thị lớn, nơi mật độ giao thông cao. Các tuyến metro, LRT, BRT góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người lao động tại các khu đô thị đến các khu công nghiệp; kích thích phát triển các khu dân cư, thương mại và dịch vụ dọc theo tuyến đường sắt, phát triển du lịch.
Cũng như metro, các tàu lửa chạy bằng LRT sử dụng điện năng giúp giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn trong đô thị, tạo ra một hệ thống giao thông công cộng hiện đại và tiện nghi. Từ đó thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân, góp phần phát triển đô thị bền vững.
Theo các chuyên gia, LRT là một phần quan trọng của hệ thống giao thông công cộng hiện đại, góp phần xây dựng đô thị thông minh và bền vững. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường phát triển hệ thống LRT để giải quyết các vấn đề giao thông đô thị. Các dự án LRT được đề xuất tại Việt Nam, như tuyến kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam bộ. Việc phát triển tuyến LRT tại Bình Dương đang nhận được sự quan tâm lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh này đang phát triển nhanh chóng về kinh tế và đô thị.
THEO NGHIÊN CỨU TIỀN KHẢ THI, TUYẾN LRT SẼ CÓ ĐIỂM ĐẦU NHÀ GA ĐẶT TẠI TÒA NHÀ BECAMEX TRÊN ĐẠI LỘ BÌNH DƯƠNG VÀ ĐIỂM CUỐI TẠI TRUNG TÂM THÀNH PHỐ MỚI BÌNH DƯƠNG (TP.THỦ DẦU MỘT), TỔNG CHIỀU DÀI TUYẾN KHOẢNG 13KM, TỔNG VỐN ĐẦU TƯ KHOẢNG 5.200 TỶ ĐỒNG.
MINH DUY