Sớm khơi 'mạch sống' cho sông ngòi Thủ đô

Sớm khơi 'mạch sống' cho sông ngòi Thủ đô
11 giờ trướcBài gốc
Vậy nhưng hiện nay, cùng với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các dòng sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Trước thực trạng đó, ngày 21-6 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND triển khai các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước tại sông Nhuệ - Đáy, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn Hà Nội. Đây không chỉ là kế hoạch hành chính thông thường mà là tuyên bố hành động mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao của thành phố nhằm trả lại “mạch sống” cho các dòng sông ở Thủ đô.
Không phải bây giờ thành phố mới quan tâm đến vấn đề này. Trước đó, nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai một số dự án cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm các dòng sông, song thực tế cho thấy hiệu quả chưa như kỳ vọng. Nhiều đoạn sông vẫn đen đặc, bốc mùi hôi thối mà nguyên nhân chính là do xả thải không qua xử lý từ hàng trăm cơ sở sản xuất, làng nghề, khu dân cư... Cùng với đó là do thiếu đồng bộ trong quy hoạch, chậm đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, lỏng lẻo trong giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm.
Vì vậy, việc chuyển từ giải quyết sự cố sang chủ động kiểm soát, quản trị bền vững nguồn nước là cách tiếp cận đúng đắn. Đặc biệt, 5 nhóm giải pháp mà Hà Nội đề ra tại Kế hoạch số 168/KH-UBND lần này thể hiện nỗ lực tiếp cận toàn diện với sự phân công rõ ràng, có trách nhiệm và lộ trình triển khai sát thực tiễn. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề, đô thị; vận hành hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải hiện có Yên Sở, Kim Liên, Trúc Bạch; ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm như Nhà máy Phúc Đồng, An Lạc; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống quan trắc tự động tại các điểm xả thải lớn.
Tiếp đó, để quản lý và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, thành phố yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, phân quyền quản lý rõ ràng theo nguyên tắc: Cấp nào phê duyệt giấy phép, cấp đó chịu trách nhiệm giám sát.
Mặt khác, thành phố yêu cầu rà soát, bổ sung các điểm quan trắc nước tự động, liên tục tại khu vực ô nhiễm nghiêm trọng; duy trì hiệu quả trạm quan trắc môi trường nước mặt tại sông Cầu Bây. Dữ liệu quan trắc chính xác là cơ sở khoa học quan trọng để hoạch định chính sách, xử lý nhanh vi phạm, dự báo xu hướng ô nhiễm. Thành phố còn chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất để xử lý nghiêm hành vi vi phạm xả thải, đình chỉ hoạt động, xử lý hình sự đối với trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng...
Hiện tại, tình trạng ô nhiễm các dòng sông đã đến ngưỡng báo động đỏ, đòi hỏi các cấp, các ngành thành phố và chính quyền địa phương phải hành động quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển đô thị gắn với các quy hoạch hạ tầng, dân cư, công nghiệp, giao thông và phòng chống thiên tai.
Sự vào cuộc của các sở, ngành: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Công Thương, Khoa học và Công nghệ... cần có tính liên thông, phối hợp chặt chẽ. Cùng với đó là đổi mới cơ chế thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội; đặc biệt, cần có chế tài rõ ràng với đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm hoặc thực hiện nhiệm vụ không hiệu quả...
Đã đến lúc nhìn nhận việc trả lại “mạch sống” cho các dòng sông trên địa bàn Hà Nội là yêu cầu cấp thiết, bởi ô nhiễm từ những dòng sông này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Hoàng Sơn
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/som-khoi-mach-song-cho-song-ngoi-thu-do-707750.html