Ưu tiên xử lý các vấn đề nóng
Đây là khẳng định của PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII tại Diễn đàn Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 12/12.
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII. Ảnh Phạm Hùng.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Tại nhiều tọa đàm, hội thảo, lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong đó có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cũng luôn dành thời gian để lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia góp ý cho công tác đảm bảo vệ môi trường tại Thủ đô.
Mặt khác, chủ đề mà Báo Kinh tế & Đô thị đã chọn ngày hôm nay – Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững là rất hay, rất nóng… vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, theo PGS.TS Bùi Thị An, Hà Nội cần chọn các vấn đề nóng, ưu tiên thực hiện trước, không dàn trải để tập trung nhân lực, nguồn lực giải quyết từng vấn đề. Và câu chuyện với sông Tô Lịch mà thành phố Hà Nội đã và đang lựa chọn, thực hiện trong thời gian qua là một ví dụ điển hình.
Cùng với đó, Hà Nội cần tập trung nâng cao nhận thức về môi trường cho các chuyên gia, người làm chuyên môn và đặc biệt là người dân Thủ đô. Cần minh bạch phương án, kinh phí, đơn vị thực hiện… để các nhà khoa học, giới chuyên môn giám sát, phản biện. Làm rõ công tác quản lý, phân cấp quản lý sông Tô Lịch sau tiến hành cải tạo, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ phương án… để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Bởi, sông Tô Lịch không của riêng ai, nó là của chung Nhân dân Thủ đô, gắn liền với cả quá trình phát triển của Thủ đô.
Các giải pháp thúc đẩy quản lý chất thải rắn đô thị theo hướng tuần hoàn
Theo TS Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT, Hà Nội nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
TS Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT. Ảnh Phạm Hùng.
Trong đó, các địa phương cần sớm xây dựng, triển khai đề án/kế hoạch phân loại tại nguồn; hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Đầu tư hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý CTRSH đồng bộ, hiện đại theo hướng tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế, hạn chế chôn lấp, thu hồi năng lượng. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch BVMT Quốc gia; thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp Quốc gia, cấp vùng...
Ban hành các tiêu chí phân loại xanh để thúc đẩy tín dụng xanh, trái phiếu xanh; cải cách thủ tục hành chính trong tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp; thu hút khu vực tư nhân trong đầu tư và hợp tác để cải thiện hạ tầng quản lý chất thải. Đối với chất thải nhựa, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về thuế, phí và xử lý vi phạm liên quan đến chất thải nhựa.
Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại hàng hóa chứa vi nhựa, nano nhựa, túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Hoàn thiện các quy định kỹ thuật để gắn nhãn sinh thái đối với các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý CTRSH, đặc biệt là về phân loại tại nguồn. Xây dựng và tổ chức thực hiện, nhân rộng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh; hướng dẫn các mô hình xử lý CTRSH tại đô thị, nông thôn.
Xác định rõ các mục tiêu phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững
TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ: Những ngày gần đây, tôi thấy lãnh đạo Hà Nội có những hành động rất quyết tâm về bảo vệ môi trường, trong đó có việc làm sạch sông Tô Lịch. Tôi hy vọng đến năm 2035, sông Tô Lịch sẽ lại xanh, sạch như hồi năm 1935. Có thể với nhiều người đây là những suy nghĩ viển vông, nhưng với những gì mà Hà Nội đã thực hiện trong thời gian qua thì bản thân tôi và rất nhiều chuyên gia, người dân có thể kỳ vọng".
TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phát biểu thảo luận tại diễn đàn. Ảnh Phạm Hùng.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, phát triển đô thị xanh cần được nhìn nhận dưới góc độ riêng của từng đô thị, và Hà Nội cũng như vậy. Thời gian qua, mặc dù Thành phố đã triển khai rất nhiều các biện pháp nhằm đảm bảo môi trường tại Thủ đô, nhưng có thể nói những biện pháp đó vẫn chưa đủ để xây dựng và phát triển đô thị xanh theo hướng bên vững.
Do đó, cần xác định rõ các mục tiêu phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững phù hợp với từng quận, huyện. Cụ thể, tại các huyện xa trung tâm – khu vực nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều nông nghiệp thì giao thông không phải là vấn đề trong công tác xanh hóa đô thị, vấn đề của họ là tình trạng đốt rơm.
Ngoài ra, Hà Nội cần tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, công tác thu gom rác thải; cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về công tác đẩy mạnh cơ giới hóa, điều chỉnh đơn giá, định mức thu gom vệ sinh môi trường theo cơ chế thị trường để đảm bảo hoạt động sản xuất, đời sống của những công nhân vệ sinh môi trường; Cần công khai các thông tin, chỉ số về chất lượng môi trường, chất lượng không khí… đề người dân cùng nắm được, từ đó có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo môi trường.
Vân Nhi