Son đỏ là must have item trên bàn phấn của mọi cô gái, tuy nhiên, đôi khi bạn thấy son đỏ khá kén da, phong cách và trang phục, thậm chí không phải dịp nào cũng thích hợp để tô son môi màu đỏ. Cảm nhận của bạn đúng đấy, son môi đỏ có câu chuyện số phận của riêng mình, có một lịch sử phía sau thể hiện hai mặt hoàn toàn trái ngược của màu son này.
Son đỏ được xem là biểu tượng của vẻ đẹp và sự nữ tính, nhưng nó cũng từng được cho là dấu hiệu của rắc rối và tội lỗi.
Lịch sử của son đỏ từ nhiều thế kỷ trước
Trong suốt nhiều thời đại, son đỏ là biểu tượng gắn liền với sự quyến rũ và quyền lực. Kể từ khoảng 2.500 trước Công nguyên, Nữ hoàng Sumer Pu-Abi đã sáng tạo ra một hỗn hợp bột màu đỏ rực rỡ để trang điểm cho môi.
Ở Ai Cập cổ đại, màu son đỏ thể hiện uy tín xã hội và khẳng định địa vị của vua chúa, quý tộc thời đó. Ngay cả ở Đế chế La Mã, cả nam và nữ đều dùng son màu đỏ như một cách phân loại địa vị, để phân biệt các quan chức cấp cao và hoàng đế.
Nữ hoàng Cleopatra thường dùng son môi đỏ để trang điểm, kết hợp đôi mắt đen đầy quyền lực.
Mặt khác, ở xã hội Hy Lạp son đỏ lại có lịch sử hoàn toàn trái ngược, đó là màu son này gắn liền với những cô gái làng chơi. Thậm chí, kỹ nữ ở Hy Lạp buộc phải tô son môi đỏ để làm dấu hiệu xác định nghề nghiệp của mình.
Để tránh rắc rối và được coi là trong trắng, phụ nữ cổ đại phải tránh dùng son đỏ mà thay vào đó là các sắc thái màu hồng nhẹ nhàng hơn.
Màu son đỏ hào nhoáng và sặc sỡ còn từng là nguyên nhân khiến những cô gái thời kì Trung cổ bị soi xét và xử tội. Nó trải qua thời kỳ đen tối nhất trong giai đoạn lịch sử này vì gắn liền với sự bí ẩn, đáng sợ và được coi là màu của quỷ Satan. Bất cứ ai tô son đỏ đều bị xem là tội đồ và buộc phải ăn năn vì bán linh hồn cho thứ mỹ phẩm tội lỗi.
Nữ hoàng Elizabeth I, người đã tự hào dùng son môi đỏ ở nơi công cộng và riêng tư.
Hết thịnh rồi suy, số phận của son đỏ lên xuống thất thường suốt nhiều thế kỉ. Đã có những lúc chúng được tôn vinh như thời của Nữ hoàng Elizabeth I, người đã tự hào dùng son môi đỏ ở nơi công cộng và riêng tư. Bà yêu thích màu son đỏ làm từ hỗn hợp nước ép trái cây và lòng trắng trứng gà. Sau đó, hào quang của son đỏ lụi tàn ngay khi vương miện Hoàng gia được đặt vào tay Nữ hoàng Victoria, người theo chủ nghĩa thuần túy, vì vậy son đỏ đã bị coi là thô tục và thiếu tôn trọng, cần phải tránh xa.
Thời Thế chiến, son đỏ cũng là một trong những thứ gã độc tài Adolf Hitler ghét nhất. Đối với ông ta, tô son đỏ là quá phóng túng và gợi cảm, đi ngược lại với quan niệm về sự thuần khiết của chủng tộc Aryan, thường tôn thờ là một khuôn mặt tự nhiên không trang điểm. Vì vậy, phụ nữ thời đó cũng dùng son môi đỏ như một cách thể hiện quan điểm chống lại Chủ nghĩa phát xít.
Tự hào và nổi loạn mãi mãi
Những minh tinh màn bạc như Marilyn Monroe chinh phục thế giới với đôi môi đỏ trứ danh.
Có thể thấy lịch sử của son đỏ không hề tầm thường và đơn giản chút nào. Nó không chỉ là xu hướng nhất thời mà còn có một số phận đặc biệt, đây là màu son nổi tiếng nhất nhưng không hề đại trà, vì thật ra son đỏ rất kén phong cách. Những minh tinh màn bạc như Marilyn Monroe, Betty Page, Liz Taylor… đã chinh phục thế giới với đôi môi đỏ trứ danh.
Điều tương tự cũng diễn ra ở phía các nữ chính trị gia như “bà đầm thép” Margaret Thatcher, chính trị gia người Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez hay nhà xã hội học người Nicaragua Marlen Chow, những người đã chống lại chế độ độc tài và đối mặt với những kẻ thẩm vấn quân đội với đôi môi màu đỏ.
Bà Marlen Chow và cây son đỏ trứ danh.
Điểm chung là họ đã truyền cảm hứng cho những người khác bằng màu đỏ đầy nổi loạn và tự hào trên môi.
Son đỏ vẫn mãi là item táo bạo nhất và đáng sở hữu nhất từ trước đến nay, vẫn tiếp tục là biểu tượng của sắc đẹp, quyền lực, nổi loạn và giải phóng. Bất cứ ai muốn khẳng định bản sắc riêng, hãy đánh dấu từng giai đoạn riêng của mình bằng màu son đặc biệt này.
Ái Phương