Sơn La: cây dược liệu trở thành thế mạnh nông nghiệp

Sơn La: cây dược liệu trở thành thế mạnh nông nghiệp
5 giờ trướcBài gốc
Được biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Sơn La dành riêng 250 tỷ đồng từ ngân sách tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao và bảo tồn 86.292ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán rừng.
Trồng sâm Ngọc Linh ở Sơn La.
Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021-2025, nhiều nông dân và hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu tự nhiên.
Hiện, Sơn La có trên 1.000 loài cây dược liệu, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: thảo quả, giảo cổ lam, đương quy, sa nhân, đinh lăng, ba kích... Đến nay, công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền, các ngành liên quan và người dân quan tâm thực hiện.
HTX Nhân Thuận (xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai) được thành lập năm 2022 với mục đích thực hiện nuôi trồng thủy sản. Sau khi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, HTX có các mô hình phát triển cây dược liệu hiệu quả, lãnh đạo HTX Nhân Thuận đã quyết định mở hướng phát triển mới với việc trồng cây thiên niên kiện (cây gai xanh) dưới tán rừng.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng và chăm sóc cây thiên niên kiện, năm 2023, HTX thu hoạch được 2 vụ, năng suất vỏ cây khô đạt 30 tạ/ha/vụ, sản lượng 9 tấn/2 vụ; năng suất lá khô đạt 50 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt 15 tấn/2 vụ. Năm 2024, HTX thu trên 400 triệu đồng từ cây thiên niên kiện, đảm bảo thu nhập bình quân cho các thành viên ở mức 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; phấn đấu năm 2025, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên khoảng 100ha. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lương, an toàn.
Huyện Mường La đang triển khai nhiều mô hình trồng dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Như HTX Nam y dược Phú Tuệ - Mường La, xã Mường Chùm, thành lập năm 2021, hiện có 15 thành viên, với 1,5 ha sâm bố chính; HTX Nam Sơn - Phú Lương, bản Nà Lốc, thị trấn Ít Ong, thành lập năm 2021 chuyên sản xuất các sản phẩm dược liệu, đã đầu tư vườn ươm cây giống, liên kết với các hộ trồng cây dược liệu, như: cà gai leo, đẳng sâm, hoa cúc...
Tại huyện Vân Hồ, đang có trên 146 ha dược liệu với 16 loài cây dược liệu chính phân bố tập trung chủ yếu xã Liên Hòa, Lóng Luông, Chiềng Xuân và Tô Múa... Năm 2024, huyện đã thông báo việc lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý tại huyện, với tổng kinh phí đầu tư gần 230 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025.
Dự án đặt ra mục tiêu hình thành tối thiểu 210 ha vùng trồng dược liệu quý, hình thành được khu vực bảo quản, sơ chế, chế biến và chiết xuất đáp ứng tiêu chuẩn GMP và GSP từ đối tượng các cây dược liệu; tạo lập ít nhất 2 sản phẩm dược liệu bền vững được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng; tạo việc làm, thu nhập ổn định tối thiểu 300 lao động địa phương, trong đó 50% số lao động là người dân tộc thiểu số. Địa điểm dự kiến các xã: Vân Hồ, Song Khủa, Liên Hòa, Lóng Luông.
Theo Đề án phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, định hướng đến năm 2030, tỉnh có 30.000ha dược liệu.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn tỉnh có trên 15.000ha cây dược liệu và sơn tra, mở hướng phát triển trồng dược liệu bền vững, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Hiền Lương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/son-la-cay-duoc-lieu-tro-thanh-the-manh-nong-nghiep.html