Cán bộ Hội phụ nữ tại tỉnh Sơn La phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh: Mạnh Hùng
Những con số và vụ việc chấn động
Năm 2019, vụ án Mùa A Chớ (sinh năm 1991, kỹ thuật viên chụp X-quang Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Nhai, Sơn La) lợi dụng công việc để thực hiện hành vi "đồi bại" với một nữ bệnh nhân 13 tuổi người dân tộc Mông, đã gây chấn động mạnh.
Tiếp đó, vào năm 2022, một vụ việc khác lại tiếp tục gây rúng động khi em V. (học sinh lớp 9, người dân tộc Mông) bị 4 đối tượng thực hiện hành vi đồi bại và quay clip rồi phát tán.
Những vụ án nêu trên chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" về tình trạng xâm hại trẻ em tại Sơn La. Theo thống kê từ ngành Y tế tỉnh, giai đoạn từ năm 2020 đến ngày 31/5/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận tới 180 trẻ em (cả nam và nữ) bị xâm hại về tình dục, bạo lực và các hình thức gây tổn hại khác.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực được chỉ ra rằng xuất phát từ nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc và bản thân trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại còn rất hạn chế; một bộ phận trẻ em có hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, khiến các em dễ dàng bị lợi dụng, lôi kéo hoặc ép buộc vào các hành vi ngoài ý muốn.
Đáng buồn hơn, không ít gia đình nạn nhân có tâm lý lo sợ, mặc cảm, không tố giác tội phạm, vô hình trung đã tiếp tay cho tội ác.
Nỗ lực không ngừng để bảo vệ trẻ em
Trước thực trạng đáng báo động này, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhâm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La, cho biết, công tác truyền thông, giáo dục đang được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực.
Hội thi tuyên truyền “Luật Bình đẳng giới, Pháp luật về phòng, chống bạo lực xâm hại treẻm" tại Sơn Lanăm 2024 Ảnh: Thanh Đào
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 159 cuộc tuyên truyền về các chính sách pháp luật hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, thu hút hơn 54.000 lượt người tham gia.
Đặc biệt, 25 cuộc thi và diễn đàn trẻ em đã được tổ chức, thu hút hơn 6.500 học sinh tham gia, giúp nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng tự bảo vệ cần thiết cho các em từ sớm...
Bên cạnh công tác truyền thông, các sở, ngành và lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận thông tin và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, vai trò của các cấp Hội LHPN tỉnh Sơn La trong công tác này là không thể phủ nhận. Bám sát đặc điểm của một tỉnh miền núi với nhiều dân tộc thiểu số, các cấp Hội LHPN đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát tỉnh, và các cơ sở giáo dục để đẩy mạnh công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Nhiều hoạt động phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em đã được triển khai hiệu quả.
Các cấp Hội cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình và cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em.
Nguyễn Tuấn Khang