Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn của Tỉnh ủy Sơn La, tổ chức chiều ngày 15/5.
Sơn La đã hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 3.058 hộ gia đình.
Sơn La là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao, đời sống nhân dân còn khó khăn, số lượng nhà tạm, nhà dột nát tương đối lớn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Sơn La đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đến hết năm 2024, Sơn La đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 9.300 nhà tạm, nhà dột nát, với tổng kinh phí hơn 441 tỷ đồng.
Năm 2025, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Sơn La tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ cho toàn bộ 3.058 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, gồm: xây mới hơn 2.650 nhà, sửa chữa trên 400 nhà; tổng kinh phí thực hiện hơn 170 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết địa phương hoàn thành xóa nhà tạm nhờ nhiều nguồn lực hỗ trợ và sự đoàn kết của cả cộng đồng.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Phong trào xóa nhà tạm thành công là bởi có sự ủng hộ, đồng lòng cao trong nhân dân. Ngoài hỗ trợ bằng kinh phí thì mỗi một ngôi nhà mới được sửa chữa, xây nên còn có sự hỗ trợ của bà con hàng xóm láng giềng, sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội, của các cơ quan đoàn thể… tất cả đã thể hiện tình cảm, tinh thần đoàn kết các dân tộc.
Tinh thần đoàn kết thể hiện ở việc nhiều địa phương, đoàn thể đã thành lập tổ xây dựng, đứng ra nhận thi công, lấy giá thấp hơn giá thị trường; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn xóa nhà tạm. Các lực lượng đóng góp trên 75.000 ngày công lao động hỗ trợ các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí... Đối với những hộ gia đình khó khăn, không đủ khả năng tài chính ban đầu, một số địa phương đứng ra ứng mua vật liệu xây dựng; quan tâm tháo gỡ vướng mắc về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích cho các hộ...
Bà Hà Thị Ngọc Yến, Bí thư huyện ủy Bắc Yên, Sơn La chia sẻ kinh nghiệm của địa phương: Trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, huyện có những khó khăn, như đa số các hộ ở địa bàn các xã, bản xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn; nhiều hộ không có nguồn vốn đối ứng để mua sắm vật liệu, phương tiện vận chuyển; nhiều gia đình hoàn cảnh, neo đơn, già yếu, một số hộ chưa đáp ứng yêu cầu về đất ở (đang ở trên đất rừng)... Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo các Tổ công tác cũng như Ban chỉ đạo các xã đứng trung gian bảo lãnh nguồn vật liệu, phương tiện vận chuyển, qua đó 100% các hộ đã kịp thời tổ chức thi công; đồng thời, động viên gia đình để bà con, họ hàng nhường đất, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có đất đúng quy hoạch làm nhà ở.
Lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo chúc mừng và biểu dương kết quả của tỉnh Sơn La.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La, bà Nông Thị Hà, Thứ trướng Bộ Dân tộc và Tôn giáo biểu dương tỉnh Sơn La khi đã tăng tốc, bứt phá, về đích sớm hơn kế hoạch chung của cả nước, là tỉnh đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đề nghị địa phương tiếp tục rà soát những hộ còn khó khăn về nhà ở, tiếp tục hỗ trợ với phương châm: không để không ai bị bỏ lại phía sau, không để hộ dân nào khó khăn về nhà ở và không có hộ dân nào không có nhà để ở; tiếp tục giải quyết sinh kế, việc làm cho các hộ dân; quan tâm bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào... Đồng thời, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, Trung ương cũng sẽ có hướng dẫn trong việc giám sát, không để xảy ra tình trạng các hộ đã được hỗ trợ chuyển nhượng nhà, đất ở hay vấn đề phát sinh khác...
Lãnh đạo tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong năm 2025.
Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc